Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 09-11-2024 | 07:16:11

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa của châu Âu, Hoa Kỳ ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành liên quan.  

 Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN tăng cường giới thiệu sản phẩm, kết nối chuỗi cung ứng. Trong ảnh: Các DN tham gia Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam - VIMP 2024 được tổ chức tại Bình Dương vừa qua

Đối mặt nhiều thách thức

Theo đánh giá của UBND tỉnh qua khảo sát thực tế tại doanh nghiệp (DN) cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều dấu hiệu tích cực. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi và đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý I-2025. Các DN bảo đảm việc làm ổn định cho công nhân, một số DN tuyển thêm lao động phục vụ sản xuất những tháng cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2025.

Các hiệp hội ngành hàng nhận định, các DN đã chủ động vượt qua thách thức, kỳ vọng năm 2024 đạt mức tăng trưởng sản xuất, kinh doanh từ 15-20% so với năm 2023. Tuy vậy, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ ngành gỗ, dệt may, gốm sứ đang đối mặt với không ít thách thức khi phải hoàn thiện thủ tục giấy phép môi trường theo quy định mới. Ông Trần Bá Nam, Giám đốc nhân sự Công ty Suntech Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước III), chia sẻ: “Việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không chỉ dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của DN, gây tổn thất về thương hiệu và đơn hàng. Theo tôi tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20% DN đang vướng về giấy phép môi trường; có một số DN cố tình vi phạm nhưng cũng có nhiều DN muốn làm mà vướng thủ tục, nghị định giao thời nên không làm được. Tôi rất mong các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các quy định mới cho DN”.

Các DN cũng mong muốn các sở, ngành liên quan hỗ trợ trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu; triển khai các quy định về rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sở hữu trí tuệ, cam kết đáp ứng hạn chế khí thải carbon… tại các thị trường xuất khẩu đến DN.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đại Hoa (TP.Tân Uyên)

Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã tham mưu và đã được UBND tỉnh phê duyệt về việc tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ DN về máy móc thiết bị, chuyển đổi số. Thực hiện chương trình này, sở đã tổ chức diễn đàn chuyển đổi số để tạo điều kiện cho DN tiếp cận, lựa chọn mô hình chuyển đổi sản xuất phù hợp dựa trên các nền tảng số. Tới đây, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, mở rộng đối tượng đối với DN ngành phụ trợ (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, cơ khí); đồng thời rà soát lại những DN trước đây chưa tiếp cận được nguồn vốn vay do không đáp ứng điều kiện tiêu chí để đưa vào diện hỗ trợ.

Về nguồn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP), gồm: Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép lao động của người sử dụng lao động, giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp; văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động còn giá trị theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định; một trong các giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp…

Đối với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, cho biết căn cứ Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PC&CC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PC&CC), trường hợp chủ đầu tư không có đủ năng lực để thực hiện công việc thi công, kiểm tra, giám sát thi công về PCCC thì phải thuê đơn vị có năng lực để thực hiện (đơn vị có năng lực là đơn vị được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC bảo đảm theo quy định). Cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công về PCCC đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của cơ quan công an có thẩm quyền được phép thực hiện các lĩnh vực hoạt động đã cấp phép.

Về lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường DN phải thực hiện biện pháp khắc phục các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường theo quy định, như: Xây dựng công trình xử lý chất thải; cải tạo hạ tầng kỹ thuật thu gom; lưu giữ xử lý chất thải, quan trắc môi trường định kỳ… Chi phí các hoạt động này thuộc trách nhiệm của DN.

 Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương tỉnh đang tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức các hội nghị hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống, thị trường các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam... để hỗ trợ DN về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

TIỂU MY - THANH TUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=427
Quay lên trên