Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong cả nước diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh dại trên đàn chó, mèo, khiến hàng chục người trong cả nước tử vong.
Diễu hành tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh
Còn chủ quan, lơ là
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ đầu năm đến nay trên cả nước đã xuất hiện 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành, tăng gần 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các địa phương đã tiêu hủy 395 con chó, mèo, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm 2023. Cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại trên chó, mèo, tại 23 tỉnh, thành; trong đó nhiều nhất là tại Bình Thuận với 7 trường hợp, tiếp đến là Đắk Lắk 5 trường hợp, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Nghệ An mỗi địa phương ghi nhận 3 trường hợp. Tại Bình Dương, trong nhiều năm qua không xảy ra trường hợp người tử vong vì bệnh dại và chưa phát sinh dịch bệnh dại trên chó, mèo.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh, cho biết dù chưa có thuốc điều trị bệnh dại và còn rất nhiều con chó chưa tiêm phòng vắc xin nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ quan nuôi nhốt và thả rông chó. Với nhận định bệnh dại là mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng, có thể gây tổn thất về tính mạng con người và thiệt hại kinh tế khi phải điều trị dự phòng, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030.
Tuy vậy, hiện nay nhiều người dân chưa chủ động khai báo việc nuôi chó với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y. Mặc dù đã có các văn bản của UBND tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý chó nuôi, nhưng có nơi chính quyền địa phương cấp xã chưa có giải pháp triệt để nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên; chưa tổ chức thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý chó nuôi...
Theo quy định, khi người nuôi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Người nuôi cần thực hiện nghiêm quy định
Ông Trần Phú Cường cho biết hiện nay tổng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh là trên 60.000 con, có hơn 26.000 hộ gia đình nuôi chó. Số lượng chó nuôi được tiêm phòng hàng năm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn đã được thống kê. 3 địa phương là TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên và huyện Bàu Bàng đã được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại.
Ngành chức năng tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó
Chi cục Thú ý đã chỉ đạo trung tâm thú y các huyện, thành phố rà soát số lượng tiêm ngừa phòng dại trên tổng đàn chó của địa phương. Tính đến thời điểm này, cơ quan thú y đã tổ chức tiêm phòng được trên 57.000 liều vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi, đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 90% tổng đàn chó, mèo. Chi cục cũng phối hợp với địa phương cơ sở đến nhà dân phổ biến các quy định về quản lý vật nuôi; các trạm, địa phương tổ chức nhiều đợt bắt chó thả rông. Chi cục đề nghị người dân có thể lập danh sách các hộ nuôi chó và báo cho địa phương tiêm phòng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 744 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại trong giai đoạn hiện nay.
THOẠI PHƯƠNG - TRUNG NGHĨA