Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, ngành y tế Bình Dương đang triển khai thực hiện cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian triển khai, phóng viên Báo Bình Dương đã đến một số cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh để ghi nhận việc thực hiện quy định này…
Người dân đến mua thuốc tại nhà thuốc tây Hoàng Liêm (TP.Thủ Dầu Một)
Vẫn còn chần chờ
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc liên thông kết nối mạng nhà thuốc toàn quốc là quy định bắt buộc phải triển khai thực hiện, nhưng qua ghi nhận của chúng tôi tại một số cơ sở buôn bán thuốc tây trên địa bàn tỉnh, cho thấy có nơi đồng tình, nhưng cũng có nơi chưa mặn mà lắm với việc kết nối này. Một người bán thuốc tại quầy thuốc tây Q. trên đường ĐT743, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho hay quầy thuốc của gia đình ông hoạt động cách nay cũng trên 30 năm và chủ yếu bán cho khách quen sinh sống gần đó. 2 vợ chồng ông thường thay nhau đứng bán chứ không thuê người phụ vì theo ông thu nhập từ việc bán thuốc không nhiều nên không đủ chi phí thuê nhân viên. “Qua các phương tiện truyền thông tôi đã biết về việc triển khai thực hiện kết nối mạng đối với các nhà thuốc trong thời gian tới là bắt buộc. Những quy định của Bộ Y tế đưa ra tôi thấy cũng đúng, nhưng với thu nhập hiện nay chúng tôi không đủ kinh phí để thuê thêm nhân viên làm. Nếu thực hiện kết nối mạng, chúng tôi phải thuê thêm người mới làm được vì vợ chồng tôi không rành về công nghệ thông tin cho lắm, rồi còn phải nộp phí cho nhà mạng hàng năm nữa. Nếu bắt buộc phải triển khai kết nối mạng, có khi thời gian tới chúng tôi sẽ phải đóng cửa không bán nữa...”, đại diện nhà thuốc này cho biết.
Tại một số cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TX.Bến Cát khi chúng tôi đến hỏi thăm về quy định này đang được cơ sở triển khai như thế nào, hầu hết những người đứng bán thuốc ở đó đều lắc đầu né tránh trả lời. Họ nói có biết đến quy định này qua các phương tiện truyền thông, nhưng không dám phát biểu gì vì họ chỉ là nhân viên được thuê đứng bán thuốc thôi, còn có thực hiện kết nối hay không là do chủ quyết định chứ họ không biết.
Cũng như ở TX.Bến Cát, nhân viên tại một số cơ sở bán lẻ thuốc ở phường Dĩ An và phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An) mà chúng tôi ghé đến đều do chủ thuê nên khi chưa có sự đồng ý của chủ họ cũng không dám có ý kiến gì về vấn đề này. Cũng có một số cơ sở ở TX.Dĩ An, cho biết họ đang chuẩn bị triển khai quy định này và sẽ bắt đầu thực hiện kết nối mạng vào tháng 8 tới đây.
Điều khó khăn mà nhiều cơ sở bán thuốc nhỏ lẻ đang gặp phải khi triển khai quy định này đó là doanh số bán hàng ít, không đủ chi phí trang trải... nên họ còn chần chờ, chưa muốn kết nối liên thông.
Khó khăn nhưng phải thực hiện
Trong những nhà thuốc trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một mà chúng tôi có dịp ghé đến, có lẽ nhà thuốc Hoàng Liêm là một trong những nhà thuốc có quy mô lớn ở Bình Dương với 2 cơ sở trên đường Yersin và đường Thích Quảng Đức. Thời điểm mà chúng tôi hỏi thăm, chị Nguyễn Hoàng Yến Linh, quản lý nhà thuốc Hoàng Liêm, cho biết chị biết đến quy định này qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa thấy triển khai. Theo chị, nếu triển khai quy định này sẽ giúp cho các nhà thuốc nâng cao hơn việc quản lý. Trong thời gian qua, nhà thuốc Hoàng Liêm đã thực hiện kết nối mạng nội bộ nên nếu thực hiện kết nối liên thông theo quy định này cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, theo chị Linh bên cạnh những thuận lợi, nhà thuốc cũng gặp phải khó khăn, cụ thể ở đây là tốn thời gian cập nhật danh mục thuốc. “So với các nhà thuốc nhỏ lẻ khác, nhà thuốc Hoàng Liêm có rất nhiều loại thuốc khác nhau nên việc cập nhật thông tin sẽ mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được. Tuy nhiên, quy định là bắt buộc nên nhà thuốc sẽ tham gia thực hiện...”, chị Linh nói.
Có thể thấy, với những nhà thuốc lớn việc thực hiện kết nối liên thông sẽ thuận lợi hơn nhiều, bởi dù sao cơ sở của họ cũng đã đầu tư sẵn máy móc, mạng nội bộ. Chị Thi, một nhân viên của nhà thuốc Pharmacity ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An), cho biết chi nhánh nhà thuốc này trực thuộc tổng công ty ở TP.Hồ Chí Minh, nên mọi hoạt động đều do tổng công ty quản lý, việc thực hiện kết nối liên thông cũng vậy. Nhà thuốc đi vào hoạt động từ tháng 12- 2018 và đã thực hiện kết nối liên thông từ tháng 1-2019.
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý dược, các nhà thuốc thực hiện việc quản lý chủ yếu bằng thủ công, giấy tờ sổ sách. Việc quản lý thuốc bán lẻ chưa có công cụ nào có thể tương tác giữa cơ quan quản lý - cơ sở cung ứng thuốc - người dân. Điều đó, gây khó trong việc kiểm soát thuốc kém chất lượng, thuốc nhái, thuốc không có xuất xứ, không có nguồn gốc rõ ràng; khó kiểm soát tình trạng bán thuốc theo đơn; khó kiểm soát giá thuốc, số lượng thuốc; lạm dụng thuốc kháng sinh. Do đó, việc triển khai thực hiện kết nối liên thông các cơ sở bán lẻ thuốc sẽ mạng lại nhiều lợi ích, đặc biệt với người dân khi đi mua thuốc. Việc liên thông sẽ giúp người mua có thể kiểm tra được mọi thông tin, mua đúng thuốc thật, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, biết được thời hạn sử dụng, cách sử dụng...
Từ trước đến nay, người dân có thói quen ra tiệm thuốc tự khai bệnh rồi được nhân viên cơ sở bán thuốc bán cho những loại thuốc cần dùng mà không theo đơn bác sĩ. Các cơ sở bán thuốc cũng không phải lưu thông tin người mua, không phải cung cấp những thông tin liên quan về loại thuốc đang bán... Hoạt động bán thuốc lâu nay khá tự do nên việc triển khai thực hiện kết nối liên thông sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, đỏi hỏi phải có sự thay đổi về thói quen của cơ sở bán lẻ thuốc và cả người dân. Cơ sở bán thuốc phải thay đổi hoạt động kinh doanh từ thủ công sang điện tử, từ hoạt động đơn lẻ sang công khai, minh bạch...
Những khó khăn ban đầu khi triển khai một quy định mới là điều không tránh khỏi, nhưng không phải không thực hiện được. Hy vọng, trong thời gian tới, tất cả các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện kết nối liên thông theo quy định để việc quản lý trở nên chặt chẽ hơn, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn.
HỒNG THUẬN