Thực hiện Nghị định 107/2009/NĐ-CP:Nhiều quy định có lợi cho người sử dụng gas

Cập nhật: 26-01-2010 | 00:00:00

Nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh LPG (các mặt hàng khí hóa lỏng - gọi tắt là gas) lành mạnh, đồng thời góp phần tạo lập thị trường ổn định và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2009/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-1-2010). Nghị định trên ra đời là một trong những cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn bán, vận chuyển, sang chiết... gas mà lâu nay còn thiếu. Tuy nhiên, để những quy định này được thực thi nghiêm túc cần phải có thời gian và sự hướng dẫn của ngành chức năng...

Hoạt động kinh doanh gas sẽ được quản lý chặc chẽ hơn sau khi có Nghị định 107/2009/NĐ-CP

Chỉ được bán 3 loại gas

Theo Sở Công Thương, đến thời điểm đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh có khoảng 610 cơ sở kinh doanh gas. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, sang chiết gas thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như có nhiều loại gas trôi nổi, bán không đúng giá, thiếu an toàn... Đây là những vấn đề khiến ngành chức năng rất khó kiểm soát. Mới đây, Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn - Chi nhánh Bình Dương, phản ánh việc có một số cơ sở kinh doanh gas lấy thương hiệu của công ty nhưng lại cung cấp cho khách hàng một loại gas khác làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của công ty.

Ông Dương Thành Bắc, Trưởng chi nhánh Petrolimex Gas Bình Dương, cho biết lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, một số cơ sở kinh doanh gas đã trục lợi bằng cách cung cấp các loại gas có giá thị trường thấp hơn nhưng lại lấy bằng giá với giá bán của các loại gas có thương hiệu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn chưa có quy định nào xử lý. Tuy nhiên, cách làm này của các cơ sở kinh doanh gas không chân chính sẽ khó thực hiện bởi những quy định chặt chẽ tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể tại điều 24, 27, 31 chương 2, mục 3 của nghị định quy định quyền của tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán gas được lựa chọn, ký hợp đồng với tối đa là với 3 thương nhân kinh doanh gas. Theo ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, những quy định trên sẽ là điều kiện thuận lợi về công tác quản lý Nhà nước cũng như kiểm tra, xử lý trong hoạt động kinh doanh, phân phối gas. Nghị định này cũng quy định các tổng đại lý kinh doanh gas phải treo biển hiệu, logo của thương nhân kinh doanh gas đầu mối mà tổng đại lý ký hợp đồng; biển hiệu cũng phải ghi rõ ràng theo quy định. Đây cũng là một trong những biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thuận lợi cho công tác quản lý của ngành chức năng.

Cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn

Bên cạnh việc quy định rõ hệ thống kinh doanh gas; đầy đủ các loại hình hoạt động kinh doanh... Nghị định 107 cũng quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh, kho chứa, vận chuyển, sang chiết gas. Đây là biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh gas vốn rất bát nháo trước đây. Nhiều chuyên gia nhận định sẽ có một sự cạnh tranh quyết liệt trên lĩnh vực kinh doanh mặt hàng này trong thời gian tới. Trước hết, những DN hạn chế về tiềm lực sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi ngoài các yêu cầu về hệ thống bồn chứa, hợp đồng với các cầu cảng... thương nhân kinh doanh gas phải có tối thiểu 300.000 vỏ bình gas (không tính các bình gas mini). Quy định này sẽ khắc phục tình trạng chiếm dụng vỏ bình mà một số DN nhỏ đã thực hiện trong thời gian qua. Các DN đang hoạt động hiện nay nếu không đáp ứng được yêu cầu này sẽ không thể tiếp tục hoạt động sau ngày 30-9-2010.

Một trong những thách thức đối với các DN cung cấp gas là quy định mỗi cửa hàng, đại lý, tổng đại lý chỉ được phép ký hợp đồng với tối đa 3 thương nhân kinh doanh gas. Ông Nguyễn Thành Danh cho biết, khi chuyển đổi từ phương thức tự do kinh doanh sang khống chế chỉ ký hợp đồng với 3 thương nhân kinh doanh gas thì các DN phải có sự lựa chọn theo phương án tối ưu. Theo đó, những DN nào có uy tín, thương hiệu... sẽ trụ được còn ngược lại sẽ khó tồn tại. “Nếu muốn tồn tại, các DN cung cấp gas sẽ phải cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, uy tín, chăm sóc khách hàng, chế độ khuyến mại...”, ông Danh nhận định. Nếu các DN đều thực hiện “chiến lược” cạnh tranh như trên thì cuối cùng người sử dụng gas là đối tượng có lợi bởi khách hàng sẽ được quan tâm hơn, giá bán, vấn đề an toàn, chất lượng gas... cũng sẽ được nhà cung cấp quan tâm hơn.

Tr.Dũng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=551
Quay lên trên