Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Bình Dương: Cần tìm tiếng nói chung

Thứ bảy, ngày 05/11/2011

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một chương trình mới được thực hiện thí điểm trên địa bàn Bình Dương (BD). Đây là một chương trình hay với mục đích tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên có thể thấy nông dân sẽ khó có thể tham gia được loại hình dịch vụ này nếu không tìm ra tiếng nói chung với các đơn vị thực hiện bảo hiểm.

 

Bảo hiểm nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển

 Thiết thực với nông dân

Thực hiện thí điểm BHNN là một trong các chủ trương, giải pháp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy đây là đề án mới, sản xuất nông nghiệp lại thường xuyên đối mặt với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh, số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm lớn, chủ yếu là nông dân, đối tượng được bảo hiểm có giá trị thấp nên trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ xuất hiện các khó khăn vướng mắc.

 

- Ông TRẦN VĂN NAM - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN Bình Dương: Khắc phục các khó khăn để thực hiện thắng lợi chương trình

Đây là chương trình mới, BD quyết tâm thực hiện tốt các bước để thực hiện thắng lợi chương trình. Các địa phương cần rà soát lại số hộ chăn nuôi, lượng vật nuôi đang chăn thả trên địa bàn được chọn thí điểm thực hiện BHNN, thống nhất chọn đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo theo tiêu chí TW và địa phương. Ngoài ra việc thực hiện tuyên truyền để các hộ chăn nuôi nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của thí điểm BHNN.

- Ông LÊ VĂN PHƯƠNG - Phó Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Bình Dương: Bảo Minh sẽ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận

Trong việc thực hiện chương trình, Bảo Minh không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Thực tế triển khai của công ty bảo hiểm nước ngoài trước đây tại Việt Nam cho thấy các quy chế, quy trình, các quy định quá nghiêm ngặt của BHNN khiến cho nông dân khó tham gia thực hiện chương trình. Tuy nhiên xác định đây là một chương trình quan trọng, chúng tôi mong muốn các đơn vị, các địa phương cùng hợp tác với Bảo Minh để chương trình được thực hiện thành công.

 

Riêng tại BD, việc thực hiện triển khai BHNN được chọn thực hiện trên đàn bò sữa và heo của tỉnh. Đã có 3 huyện được chọn để thực hiện triển khai thực hiện thí điểm là Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên. Mỗi huyện lại chọn ra 3 xã để thực hiện. Những xã được chọn thực hiện trong giai đoạn này có các đặc điểm, điều kiện thuận lợi để triển khai. Theo đó các hộ chăn nuôi heo, bò sữa quy mô nhỏ lẻ, tập trung đều có thể tham gia mua bảo hiểm cho vật nuôi. Như vậy các hộ dân nếu có nuôi heo, bò sữa với số lượng từ 1 con trở lên theo hình thức nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát đều có thể tham gia BHNN. Ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho hộ nghèo, hỗ trợ 80% cho hộ cận nghèo. Các hộ dân khác chỉ phải đóng 40% chi phí bảo hiểm và các đơn vị doanh nghiệp chỉ phải đóng 80% chi phí. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong tháng 11 này các đơn vị liên quan sẽ tiến hành điều tra, khảo sát các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị liên quan đến thực hiện thí điểm BHNN, tiếp sau đó sẽ tổ chức các hội thảo nhằm tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thí điểm BHNN. Dự kiến việc ký hợp đồng giữa các hộ chăn nuôi và Công ty Bảo hiểm Bảo Minh sẽ triển khai từ tháng 12-2011. Theo quy định, các loại thiên tai nguy hiểm được hỗ trợ thí điểm BHNN gồm: Bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần; dịch bệnh nguy hiểm gồm: đối với bò là lở mồm long móng, đối với heo là dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng. Với mức độ thiệt hại ở mức 20% trở lên đối với chăn nuôi (theo giá trị kinh tế)  thì được bảo hiểm.

Cần tìm ra tiếng nói chung

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN tỉnh BD vừa qua, nhiều lãnh đạo của các địa phương, các sở, ngành liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm ra hướng triển khai thích hợp cho việc thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng việc chọn những xã, phường đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định, tập trung triển khai tốt thí điểm BHNN sau đó có thể nhân rộng ra toàn tỉnh cần phải được thực hiện chính xác nhằm bảo đảm thực hiện được thành công.

Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi biểu phí mua bảo hiểm của các vật nuôi khá cao, kèm theo đó là những quy định ràng buộc khá gắt gao, nông dân mà nhiều nhất là nông dân diện hộ nghèo khó đáp ứng. Một số quy định bắt buộc mà khi nông dân đáp ứng được mới có thể tham gia BHNN như quy định về chuồng trại với các yêu cầu về khoảng cách, diện tích xây dựng, các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ trong chuồng trại cũng được quy định bắt buộc người chăn nuôi phải đáp ứng được. Bên cạnh đó các chế độ ăn, khẩu phần thức ăn của vật nuôi cũng được quy định khá chi tiết cho các giai đoạn phát triển của vật nuôi. Bên cạnh đó lĩnh vực chăn nuôi heo có sự biến động rất lớn về bầy đàn. Nếu các hợp đồng ký kết không thích hợp với chu kỳ chăn nuôi của người dân thì người chăn nuôi khó có thể nhận được các hỗ trợ. Việc các trang trại chăn nuôi sản xuất vì liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ cũng như các yêu cầu của thú y nên công tác phòng chống dịch bệnh của các TT luôn bảo đảm. Vì vậy việc để xảy ra dịch bệnh để có thể nhận được các hỗ trợ của BHNN là khó có thể xảy ra. Có thể thấy các điều khoản quy định kể trên nếu không có các điều chỉnh cho hợp lý sẽ là các rào cản rất lớn đối với nông dân nếu muốn được tham gia BHNN.

Việc triển khai thực hiện tốt thí điểm BHNN trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở để góp phần thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi BD phát triển ổn định theo hướng an toàn khi mà người chăn nuôi thực hiện đúng các yêu cầu theo các điều khoản quy định. Đây cũng là động lực giúp cho ngành chăn nuôi BD có thể hình thành nên vùng cung ứng thực phẩm bảo đảm cho các hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong tỉnh.

CAO SƠN