Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà tính chất của hành vi phạm tội ngày càng phức tạp. Bằng sự nỗ lực của các cơ quan tố tụng, các vụ án phức tạp nhanh chóng được xử lý, đáp ứng được tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương.
Bình Dương tổ chức hội nghị liên ngành rút kinh nghiệm các vụ án hình sự bị hủy, sửa và trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành rút kinh nghiệm các vụ án hình sự bị hủy, sửa và trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ông Đặng An Thanh, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Thực tiễn cho thấy nhìn chung trong quá trình giải quyết các vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp phần lớn đã điều tra, truy tố và xét xử đúng người, xác định đúng tội danh, áp dụng đúng các quy định của pháp luật; áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Không bỏ lọt tội phạm và không kết án oan người không có tội... Tuy nhiên, vẫn còn có các vụ án mà tòa án, viện kiểm sát phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vẫn còn các bản án bị tòa án cấp trên hủy, sửa do lỗi của Hội đồng xét xử...”.
Theo đại diện TAND tỉnh, từ ngày 1-12-2018 đến 30-9- 2021, toàn ngành tòa án tỉnh bị hủy 29 vụ, bị sửa 225 vụ. Trong đó nhiều vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, như: Thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ dẫn tới xác định sai tội danh, quyết định và phân hóa hình phạt chưa phù hợp; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chưa tuân thủ các quy định tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện khi giải quyết vụ án dẫn đến án bị hủy, sửa.
Cũng theo thẩm phán cao cấp Đặng An Thanh, một số khó khăn, vướng mắc đã được TAND tỉnh ghi nhận chủ yếu do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ. Liên quan đến tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341) hiện nay vẫn còn quan điểm trái chiều giữa cơ quan truy tố và cơ quan xét xử về hành vi khách quan của tội danh này, nhưng vẫn chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn của liên ngành cấp trên nên nhiều vụ án đã được trả hồ sơ để điều tra bổ sung về xác định tội danh.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra bổ sung, điều tra lại các vụ án do đơn vị thụ lý từ năm 2019 đến 2021, đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho rằng các vụ án liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, buôn lậu là loại án phức tạp, nhạy cảm. Vụ án có nhiều đối tượng tham gia, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, xảy ra đã lâu. Đến khi khởi tố thu thập tài liệu, chứng cứ thì gặp nhiều khó khăn trong khi thời hạn điều tra vụ án theo quy định pháp luật bị giới hạn… Bên canh đó, việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn điều tra ban đầu còn tràn lan, chưa có trọng tâm, trọng điểm nên định hướng điều tra vụ án chưa chuẩn xác. Công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử đối với một số án chưa thật sự chặt chẽ, nhất là trong phối hợp thu thập, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh. Ngoài ra, lực lượng điều tra viên còn mỏng. Một số điều tra viên còn hạn chế năng lực kinh nghiệm, trình độ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác điều tra còn lạc hậu, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn hiện nay.
Từ ngày 1-12-2018 đến 30-9-2021, ngành tòa án tỉnh đã thụ lý 7.891 vụ án hình sự với 15.970 bị cáo. Đã giải quyết 7.309 vụ án với 13.818 bị cáo, đạt tỷ lệ chung 92,62%. Riêng năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án nên tỷ lệ án giải quyết trong năm 2021 chưa cao. |
TÂM TRANG