“Thuốc lá điện tử” có lẽ là một cụm từ trở nên “nóng” cứ mỗi dịp vào năm học mới. Thuốc lá điện tử hiện nay xuất hiện và len lỏi vào đời sống của một số thanh thiếu niên và ở cả môi trường học đường.
Nhiều em tìm đến vì tò mò. Có em sử dụng như một cách để “chứng tỏ bản thân”, theo cách nghĩ chưa chín chắn của tuổi mới lớn. Đây là vấn đề khiến các bậc phụ huynh và cả nhà trường lo ngại.
Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề này, trong chương trình khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại huyện Bàu Bàng vừa qua, câu chuyện tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, trong đó có xử lý tình trạng thuốc lá điện tử cũng đã được đưa ra. Tại buổi khảo sát, các thành viên trong đoàn, công an và ngành giáo dục địa phương đã có cái nhìn thẳng vào thực tế cũng như tìm cách giải quyết căn cơ, tạo được sự đồng thuận và không làm ảnh hưởng đến môi trường học đường.
Cách làm của một trường học trên địa bàn huyện Bàu Bàng khi báo cáo với đoàn khảo sát là rất hay: Đó là khi phát hiện một số trường hợp học sinh trong trường vi phạm về việc mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, nhà trường phối hợp công an địa phương làm rõ hành vi của một số đối tượng bên ngoài lôi kéo, xúi giục. Song song đó là mời phụ huynh, học sinh đến làm việc và yêu cầu không tái phạm.
Dưới góc nhìn của phụ huynh, có thể nói đây là hướng xử lý vấn đề một cách rốt ráo nhưng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến học sinh; chứ không chỉ chăm chăm đến việc đuổi học sinh vi phạm!
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá điện tử gây ra hàng loạt tác hại đối với sức khỏe người sử dụng như ảnh hưởng tới khả năng sinh sản; chức năng nhận thức bị ảnh hưởng; gây nghiện; ảnh hưởng đến tim và phổi… Tuy nhiên, ở lứa tuổi mới lớn, nhiều em đã không mấy quan tâm đến vấn đề này.
Là phụ huynh, hẳn ai cũng lo lắng cho con em mình trước cám dỗ của thuốc lá điện tử. Vì vậy, rất cần những giải pháp căn cơ nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý của học sinh…
L.T.PHƯƠNG