TB Nguyễn Văn Hương (phải) thăm, trò chuyện với cán bộ lão thành cách mạng trên địa bàn xã Ảnh: Đ.TUÂN
Đến xã Lạc An (Bắc Tân Uyên), hỏi về TB Nguyễn Văn Hương (sinh năm 1967), mọi người đều dành cho ông những tình cảm kính mến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống, TB Nguyễn Văn Hương sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1986, ông tình nguyện đăng ký tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi của ông 1/3 chân trái. Về với đời thường, được sự quan tâm, động viên của các thành viên trong Hội CCB xã, ông quyết định làm lại cuộc đời, chứng minh TB “tàn nhưng không phế”. Hàng ngày, ông chống gậy đi khắp nơi bán vé số, phụ giúp gia đình. Sau đó, ông lập gia đình và chuyển sang học may. Vợ làm nghề tóc, chồng nhận may quần áo, sau nhiều năm tích cóp, ông đã mua được 1 ha đất để ở và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, ông trở thành TB sản xuất giỏi với 5 ha điều, 3 ha cao su.
Với vai trò là Chủ tịch Hội CCB xã Lạc An, ông thường đến thăm hỏi, động viên những gia đình CCB, TB gặp khó khăn trên địa bàn. Ông luôn hết lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các CCB. Ông thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi; cách sử dụng nguồn vốn vay; giới thiệu nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cho các hội viên và bà con trên địa bàn xã. Đức tính siêng năng, biết vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu và sống có tình có nghĩa với mọi người, bởi vậy ông luôn được mọi người tin tưởng, mến phục.
Đối với trường hợp TB Lưu Tiến Diễn (phường Bình An, TX.Dĩ An) khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Xuất thân từ hai bàn tay trắng, thế nhưng với nỗ lực của bản thân, ông đã có gần 20 phòng trọ, đàn hươu (10 con), đàn heo (30 - 40 con/đợt xuất chuồng). Đặc biệt, người TB ấy còn chú trọng việc học tập, nâng cao trình độ cho các con. Các con ông hiện nay đều học cao, có công ăn việc ổn định, cuộc sống gia đình mẫu mực.
Ông Diễn nhớ lại: “Tham gia chiến trường tại Campuchia tôi bị thương và trở thành TB 4/4. Về mảnh đất Bình An sinh sống, vợ chồng thuê nhà ở, thay phiên nhau chăm con và đi làm thuê. Về sau, được Hội CCB xã tạo điều kiện vay vốn, tôi bắt đầu buôn bán nhỏ, nuôi heo. Dù bị mất sức lao động do vết thương cũ, tôi vẫn luôn mang quyết tâm phải vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Với quyết tâm ấy, bất cứ khóa tập huấn nào của Hội Nông dân xã liên quan đến sản xuất nông nghiệp, tôi đều tích cực tham gia”.
Không chỉ làm gương trong xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, phát triển kinh tế, ông còn tham gia giữ gìn nếp sống văn minh, xây dựng mối đoàn kết của ấp với vai trò Chi hội trưởng CCB khu phố Nội Hóa 1. Ông Diễn nói thêm: “Trong cuộc sống không ai nói trước được điều gì, nhưng tôi có thể tự hào rằng mình đã sống đúng với lý tưởng đã chọn. Tôi chưa thể giúp ích nhiều cho xã hội, nhưng trong khả năng sức lực của bản thân, tôi sẽ còn tiếp tục phấn đấu cho đến khi nào không làm được nữa mới thôi. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là các con được chăm lo ăn học đến nơi đến chốn và đã thành đạt trong cuộc sống”.
ĐỖ TUÂN