Năm 2000, khi hoàn thành giai đoạn một, đại lộ Bình Dương được đánh giá là một trong các con đường “đẹp nhất Việt Nam”. Về ý nghĩa khác, đại lộ Bình Dương mang tấm lòng rộng mở, nhiệt thành của nhân dân Bình Dương mời gọi các nhà đầu tư đến kinh doanh, phát triển, mời gọi lao động, trí thức đến làm việc, lập nghiệp trên đất Bình Dương. Điều đó đã được thực hiện với thành tích thu ngân sách của tỉnh gấp 25 lần sau khi tuyến đường dài 62km được đưa vào hoạt động trở thành xương sống kích hoạt kinh tế, xã hội của địa phương trỗi dậy. Khi TX.Thủ Dầu Một được Chính phủ quyết định nâng cấp lên thành phố, đại lộ Bình Dương trở thành đường phố trung tâm mà không ít lần người ta gọi là “Phố tài chính”, bởi hầu hết các ngân hàng lớn đều xây trụ sở ngay mặt tiền ở vị trí đắc địa nhất.
Biết ơn đại lộ Bình Dương thì nói nhiều trong các văn bản Nhà nước, trong các hội họp, mít tinh, trên cả nhiều chương trình báo chí và truyền hình. Nhưng thử xem con đường lớn nhận được sự đền đáp như thế nào? Vẫn biết mấy tháng gần đây đơn vị quản lý thường xuyên cho máy hút bụi, máy quét rác chạy vè vè suốt hai bên lề đường. Vẫn biết cứ vào các dịp lễ lạt là dải phân cách bằng cây xanh được cắt tỉa cẩn thận, đẹp mắt, ngày nắng, hoa giấy các màu bừng đỏ tươi như hân hoan chào đón khách qua đường. Vui đó mà buồn đó khi nhìn suốt dọc hai bên lề đường, hè phố. Lề đường nham nhở, lởm chởm bởi các vỉa hè đã bị băm nát. Các hè phố dù được lát gạch bê tông chịu lực đã bị biến dạng chỗ cao, chỗ thấp, có nơi không còn gạch mà chỉ là lớp xi măng mỏng, gió thổi, cát bay, do đâu? Hễ cứ một ngôi nhà mặt phố xây mới, một cơ quan, doanh nghiệp mọc lên, xe tải nặng chở vật liệu chạy qua làm méo mó, mặt hè vỡ từng mảng. Xây dựng xong, ít thấy nhà nào, cơ quan nào xây trả lại nguyên trạng hè phố. Có đoạn đường từ Huỳnh Văn Lũy đến cổng công viên, ngay trước trường Đại học Bình Dương, không còn hè phố bởi nhà nào cũng tùy tiện tôn cao tạo độ dốc vào nhà. Đơn vị quản lý hình như bỏ mặc cho đường. Và phố đã không hè cho người đi bộ, lại cứ vô tư chỗ thấp chỗ cao, thách thức khách bộ hành “Em chọn lối nào” nếu không nhanh mắt, vững đôi chân sẽ bị vấp ngã què quặt, gãy răng, dập mặt. Nhìn hệ thống hố ga thoát nước mặt, mới tức cười bởi những sáng kiến toàn dân “đáng phục” vì họ đã biến các miệng hố ga thành miệng hố rác. Còn nữa, mặt đường vốn phẳng lỳ, sau khi đơn vị cấp thoát nước thi công hệ thống nước thải, các nắp hố ga thường cao hơn mặt đường gần tấc, dễ gây bất ngờ, nguy hiểm cho người đi xe máy.
Để đại lộ Bình Dương xứng đáng là đường phố đẹp kiểu mẫu của đô thị Thủ Dầu Một kiểu mẫu thì không chỉ là đơn vị quản lý khai thác mà mọi công dân và các loại phương tiện tham gia giao thông cần có thái độ ứng xử tích cực, chăm lo bảo vệ, bảo dưỡng thường xuyên và không có bất cứ tác động nào dù vứt một tờ giấy, cọng rác ra đường làm ô nhiễm nó. Câu nói cuối cùng là “Hãy thương đại lộ Bình Dương, đừng vắt kiệt động lực của nó”.
PHÚC LÊ