Thương cho trót…

Cập nhật: 02-06-2013 | 00:00:00

Với trường hợp được phản ánh trong bài “Túng thiếu nhìn con bệnh” đăng ngày 8-5-2013 là một ví dụ như thế. Sau khi nghe kể về chuyện vợ chồng anh Sơn Thu, chị Lâm Thị Hoành Thương (dân tộc Khơ-me) bồng 2 con nhỏ là Sơn Long Thành (sinh năm 2011) và Sơn Long Thái (2012) đến Báo Bình Dương… cầu cứu, chúng tôi đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tìm hiểu viết bài. Đứa anh là Sơn Long Thành mới hơn 2 tuổi bị hen suyễn và tim bẩm sinh đang nằm bên phòng bệnh khoa nhi. Đứa em là Sơn Long Thái, hơn một tuổi nằm phòng cấp cứu khoa nhi. Cháu Thái bị viêm phổi và tiêu chảy cấp…Cha mẹ 2 em phải bỏ công việc làm gạch thuê để chăm con.

 

Anh Sơn Thu bồng con là bé Long Thành bị bệnh tim bẫm sinh đang chờ tiền chữa bệnh (ảnh chụp tại khu nhà trọ của lò gạch)

 

Bài chưa lên khuôn đã nhận được tin “chị ơi tụi em bồng con trốn viện rồi vì không có tiền đóng viện phí”. Thế là chúng tôi lại vội vàng cùng bạn đọc đến tận nơi hai vợ chồng làm gạch để coi mình có thể giúp được gì không…

Đường về Thạnh Phước hôm đó như xa hơn bởi chúng tôi nóng lòng trước tình bệnh tật của 2 bé không biết ra sao. Con đường đất đỏ đối diện Cảng Thạnh Phước dẫn vào lò gạch Kỳ Sơn, ấp Cây Da. Nơi đó cả nhà 3 thế hệ của chị Hoành Thương thuê 2 phòng trọ để sống. Ông bà ngoại, mấy dì của hai đứa trẻ cũng lên Bình Dương kiếm sống và phụ con, rể tiền chạy chữa thuốc thang cho cháu ngoại. Những đứa trẻ con hàng xóm trông nheo nhóc, bụi đất bám đầy thấy chúng tôi cũng hiếu kỳ, chạy theo… coi! Trong căn phòng trọ hơn chục mét vuông, 2 đứa con của chị Hoành Thương nằm li bì vì vẫn chưa hết bệnh…

  Giấy khám bệnh và hẹn mổ tim của bé Sơn Long Thành 

Sổ lương của cả nhà (ông bà ngoại, ba mẹ, 2 người dì) đã bị… âm đến mấy chục triệu đồng! Tức là họ ứng tiền trước, làm công trả sau. Mỗi ngày làm công của họ được hơn 100.000 đồng/ người và “danh sách” của cả nhà phải đem ra ứng trước. Anh Sơn Thu thật thà: “Đi tới lò gạch nào tụi em cũng làm vậy hết chứ không thì lấy tiền đâu lo cho con. May sao các chủ lò thương tình cưu mang, cho mượn tiền trước nếu không thì chẳng biết xoay xở vào đâu. Chị thương em, chương trình của Báo Bình Dương thương em thì… thương cho trót chị nhé. Chỉ cho em làm cách nào tiếp đi chị…”. Nghe thương xót, ngậm ngùi quá đỗi. Chị Hoành Thương còn đưa cả giấy hội chẩn của Bệnh viện Nhi đồng về việc mổ tim cho bé nhưng họ chưa có tiền để nhập viện theo lịch hẹn.

“Đã thương thì thương cho trót”, câu nói của Sơn Thu và ánh mắt hy vọng của cả nhà như là một nỗi cầu cứu, như là một ám ảnh. Chúng tôi vận dụng tất cả mối quan hệ với cán bộ địa phương, với các ban ngành và hướng dẫn gia đình họ xin hỗ trợ kinh phí mổ tim. “Chị ơi, bệnh viện báo viện phí 46 triệu đồng và em đã xin tài trợ được 23 triệu đồng rồi. Còn 23 triệu đồng nữa, làm sao chị?”…

Và chúng tôi, lại một lần nữa đề cập đến trường hợp khó khăn này để mong có thêm bạn đọc hảo tâm giúp họ chứ… còn biết làm sao?

QUỲNH NHƯ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên