Hồn quê luôn phảng phất trong âm điệu của những bài ca vọng cổBài vọng cổ có một nét đặc biệt mà gần như không một bài hát nào khác được thừa hưởng. Đó là tính đa dạng, biến hóa của bài hát theo lời ca. Cũng cùng điệu nhạc, điệu đàn nhưng bài vọng cổ thay đổi hẳn bản chất tùy theo lời đặt ra.
Buồn thương sầu thảm như Lan và Điệp, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Não nề ai oán như Sầu vương ý nhạc, Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Khuyên dạy êm đềm như Tu là cội phúc, Nỗi mừng ngày cưới. Kể truyện tích xưa như Đội gạo đường xa, Lưu Bình Dương Lễ. Vui đùa, dí dỏm như Tư Ếch đi Sài Gòn, Tựa tuồng sân khấu. Không một soạn giả nào có thể dùng bài Lý con sáo để nói những lời hý lộng mà chỉ có thể than thở như cô Lan trong Tình Lan và Điệp của soạn giả Viễn Châu (đừng lầm với bài vọng cổ Lan và Điệp cũng của ông Viễn Châu): Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu - Nhìn hoa tàn rụng rơi, Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn - Bởi bao cay đắng dập dồn, - Tình đầu vừa tan theo khói sương, - Lan khóc than trong tháng năm sầu thương... - Mùi thiền đành quen câu muối dưa, - Mong lãng quên khổ đau ngày xưa...
Bản vọng cổ ca đủ 6 câu phải mất khoảng 6 phút, gần gấp đôi một bản tân nhạc, có thể kể đầy đủ một câu truyện, một sự tích. Vì vậy vọng cổ là một phương tiện rất tốt để truyền bá kiến thức văn hóa cho đại chúng nhất là với tầng lớp dân quê ít có điều kiện học hành. Đất rộng, người thưa. Vất vả, cô đơn là những nỗi khó khăn mà lớp người tiền phong xuôi Nam khai phá đất đai, mở mang xứ sở phải chịu đựng: Má ơi, đừng gả con xa - Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu... Nhờ vọng cổ mà người bình dân miền Nam biết được các tích truyện đầy luân lý như Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Tử Lộ... hay những điển tích truyện Tàu như Triệu Tử Long triệt giang, Đơn Hùng Tín, Đắc Kỷ Trụ Vương, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Chung Vô Diệm. Không có lối giáo dục nào hay hơn. Trước là truyện thơ, sau là vọng cổ đã tạo cho người miền Nam một nếp sống và nhân sinh quan khác hơn dân các miền khác.
Tinh thần phóng khoáng của những bậc tiền bối đi trước đã được các tích Cậu Hai Miêng, Đào viên kết nghĩa, Đơn Hùng Tín... vun bồi, như phù sa làm phì nhiêu thêm đất vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long và truyền dạy đến lớp hậu sinh ngày nay. Nó tạo ra những phong cách “tứ hải giai huynh đệ”, “anh hùng tử, khí hùng bất tử” mà đến nay người miền Nam vẫn còn tự hào.
Rảo bước vào các làng quê miền Nam, người khách lạ luôn luôn nghe tiếng ca vọng cổ văng vẳng vọng ra từ một ngôi nhà nào đó trong xóm. Có thể là giọng ca của Minh Cảnh, Lệ Thủy, hay Hữu Phước, Ngọc Giàu. Có thể là bài vọng cổ xưa như Người mẹ mùa ly loạn, Gánh nước đêm trăng, có thể là một tân cổ giao duyên như Chàng là ai, có thể là giọng ca hài hước của Văn Hường trong Vợ tôi tôi sợ. Nhưng âm vang của bài vọng cổ luôn luôn ôm ấp, quấn quít tâm hồn người dân hiền lành, mộc mạc từ mấy mươi năm trước cho đến bây giờ. Và sẽ còn mãi về sau, thương hoài câu vọng cổ.
CA DAO