Hơn 2 tháng nay, tại Hố Sỏi (thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát), nơi có những cây dầu cao lưng lửng rợp bóng mát bao quanh bờ hồ, đêm nào cũng có những ngọn đèn néon hắt sáng của những người tìm bắt ve sầu. Không ai hiểu lý do tại sao mà xung quanh đây lại có nhiều ve chui lên từ lòng đất để lột xác đến thế, mọi người chỉ ra sức truy tìm để bắt được càng nhiều càng tốt những chú ve sầu còn non đang vất vả thoát khỏi cái xác khô cứng. Họ mang ve sầu về chế biến thành món ăn vì tin rằng ăn ve sầu có thể chữa được bệnh ung thư!
Ve sầu chui ra khỏi đất bò lên cây chờ lột xác bị người săn bắt ve chờ sẵn cho vào túi
“Chiến dịch” bắt ve đêm
Thông tin từ người dân tại xã Hòa Lợi (Bết Cát) về việc có hàng trăm người hàng đêm đổ dồn về Hố Sỏi để bắt ve sầu làm món ăn đã làm cho tôi phải bận tâm. Họ rỉ tai nhau rằng, sở dĩ đàn ông, đàn bà, con trai, con gái đều hăm hở đi bắt ve là vì thịt những ấu trùng ve vừa lột xác có thể chữa được bệnh ung thư! 18 giờ 30 phút một đêm sau trận mưa nhỏ, tôi vội vã mang đèn, túi ni-lon, nước uống, theo chân ông Nguyễn Văn Thanh, xã Hòa Lợi, người đã thu hoạch được rất nhiều ve trong mùa này, thực hiện cuộc hành trình bắt ve đêm.
Ấu trùng ve chưa kịp lột xác đã bị bắt
Hố Sỏi, tuy thuộc địa phận thị trấn Mỹ Phước nhưng chỉ cách xã Hòa Lợi chừng vài cây số. Xa xa, tiếng xập xình từ bên trong những nhà máy sản xuất của các công ty với những ngọn đèn sáng trưng vọng lại. Tuy vậy, tiếng ồn và ánh sáng đèn của các công ty vẫn không xóa được không gian đêm tĩnh lặng trên khoảnh đất với rất nhiều những cây dầu lớn nhỏ khác nhau ở Hố Sỏi. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy nhiều ngọn đèn néon soi qua rọi lại rất tỉ mỉ trên những thân cây, lùm cỏ. Chốc chốc, những người săn bắt ve sầu lại khom lưng lượm những chú ve non tơ đang chật vật để thoát khỏi cái xác cứng trên bụi cây bỏ vào bao ni-lon. Những chú ve non tội nghiệp gần như bất khả kháng trước sự tấn công của bàn tay con người. Vừa đi, ông Thanh vừa kể: “Mấy hôm nay người đi tìm ve ít bớt rồi, chứ tầm chừng 1 2 tháng trước họ đổ xô về bắt ve như đi “chiến dịch”, chủ yếu là người dân ở hai xã Thới Hòa và Hòa Lợi. Có đêm, họ còn chở nhau bằng xe ô tô 7 chỗ, đổ bộ xuống để truy lùng những chú ve sầu mới nở. Năm nay không biết vì sao ve lại nhiều đến thế. Có hôm hơn 200 người cùng đến bắt ve mà ai cũng mang về bình quân khoảng 200g chứ không ít. Thích nhất là khi trời vừa dứt cơn mưa. Có lẽ do khí hậu mát mẻ ve chui lên nhiều, tôi đã không ít lần bắt được cả 1kg lận đó”.Ông Thanh giải thích cho tôi hiểu quy trình nhận dạng xác ve và ấu trùng ve. Sau khi ấu trùng hoàn thành quá trình lột xác, xác ve được bỏ lại trên thân cây bất động nhìn như thật nhưng lại gần thì trống rỗng. Nhìn xác những chú ve sầu còn bỏ lại, chị Vân đi kế bên tiếc rẻ: “Hôm qua bắt kỹ thế mà vẫn còn nhiều con thoát được đấy”. Những chú ve sầu cứ rẽ đất chui lên từng đợt. Vì thế, người đi trước bắt được ve thì người đi sau trong cùng một luồng cây vẫn có thể bắt được ve như thường.
Đâu rồi tiếng ve?
“Món ve có ngon không mà phải lặn lội mỗi đêm vậy chú?”, tôi cất tiếng hỏi khi thấy chú Năm Ngót, xã Thới Hòa đang vạch lá săn tìm ve non trong lùm cỏ dại. “Chúng tôi bắt ve về chiên giòn rồi đem lên bàn nhậu, món lạ không ngon cũng thành ngon”, chú Năm Ngót trả lời. Chị Ngọc dù có bầu vẫn nhiệt tình cùng chồng đi hết hàng cây này đến hàng cây khác săm soi tìm kiếm ve non. Anh Trung, chồng chị cười hiền: “Nghe người ta đồn ve sầu tốt cho sức khỏe nên vợ chồng tôi đêm nào cũng tìm bắt ve đem về bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để dành cho vợ ăn dần tẩm bổ cho con. Ăn hoài cũng ngán nhưng được cái đi bắt ve rất vui nên đêm nào hai vợ chồng cũng chở nhau đến đây tìm ve”.
Một chú ve non vừa hoàn tất quá trình lột xác
Theo những người sành ăn thì ve ngon nhất là những con non vừa lột xác, thân mình còn mềm mại như sữa. Những người đi bắt ve thường chọn thời điểm trước 19 giờ và kết thúc khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ sau đó. Vì sớm hơn ve chưa bò lên để lột xác, mà trễ hơn thì những chú ve đã lột xác thành ve trưởng thành. Thời gian để một chú ve non trưởng thành chỉ độ chừng 30 phút. Ve trưởng thành thân đen, cánh cứng ăn không ngon nữa. Những chú ve non nếu may mắn thoát khỏi cuộc truy bắt của những người săn ve đêm sẽ trưởng thành và nhanh chóng bay lên tán cây để cất tiếng gọi hè. Ấy vậy, nhưng chú ve trưởng thành cũng chưa chắc đã thoát khỏi số phận bi thương, bởi vì một số người không chỉ tìm bắt ve non mà còn bắt luôn cả những chú ve đã trưởng thành đang cao giọng hát trên cành cây. Chú Năm Ngót cho biết, đêm nào cũng vậy, chú và thằng con trai bắt ve lớn, còn con dâu và con gái tìm bắt ve non. Bắt ve non chỉ cần tìm ở thân cây, lùm cỏ; còn muốn bắt ve lớn phải mang theo cây sào dài, trên đầu cây sào có cái túi vải có tác dụng hứng lấy những con ve sầu khi chúng buông cành bay ra khỏi chỗ trú ngụ khi bị rung lắc. Do bắt ve theo kiểu tận diệt như vậy nên chiến lợi phẩm thu về mỗi đêm của gia đình chú Năm Ngót không đêm nào dưới 0,5kg. “Con nhỏ chế biến ăn trước, con lớn bỏ vào tủ lạnh ăn dần. Nghe nói thịt ve bổ dưỡng cho sức khỏe thì cứ ăn chứ biết thực hư thế nào đâu mà nói”, chú Năm phân trần.
Ve sầu là món ăn nhiều đạm. Tuy nhiên, nếu ve sầu bị nhiễm nấm ký sinh hoặc chế biến không kỹ có thể gây ngộ độc cho người ăn. Người bị ngộ độc khi ăn ve sầu có những biểu hiện như khó thở, nôn mửa, co giật. Cũng có trường hợp bị dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa da thịt…
Con đường nhựa quanh co men theo bờ hồ dưới những hàng cây dầu cao xòe tán rộng mùa này luôn rộn rã tiếng nói cười của những người săn bắt ve đêm. Nếu không có cuộc hành trình tìm hiểu số phận những chú ve sầu trong những ngày chạm ngõ mùa hè này, tôi sẽ không có dịp để biết đến một Hố Sỏi xinh xắn và thơ mộng về đêm. Nơi đây còn là “điểm hẹn” của những đôi trai gái, điểm đến của những người đi chơi đêm. Sự xuất hiện những cây sào dài săn bắt ve, cùng những ngọn đèn néon sáng trưng soi mói từng gốc cây vô tình phá vỡ cái không gian êm đềm của Hố Sỏi về đêm. Trên những hàng cây, tiếng ve sầu ngân nga như đứt quãng!
Ngoài những người bắt ve về làm món ăn cho gia đình, nghe đâu có nơi người ta còn chiêu đãi khách với những đĩa ve sầu lăn bột chiên giòn vào dịp đám giỗ. Mùa này sáng sớm ở chợ đầu ngõ có người còn mang ve sầu đi bán với giá 100.000 đồng/kg, ấy vậy mà người ta cũng tranh nhau mua đắt như tôm tươi! Ăn ve sầu có giúp cho con người phòng ngừa được bệnh tật hay không có lẽ chưa có cơ sở để xác định, chỉ thương cho những chú ve đã phải đột ngột từ bỏ kiếp ve sầu khi chưa thực hiện được sứ mệnh cất cao giọng hát báo hiệu mùa hè.
NGỌC TRINH