Cùng với chú trọng phát triển công nghiệp, huyện Bàu Bàng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và mời gọi thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn. Kết quả cho thấy, lĩnh vực này đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hệ thống cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Lai Uyên phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn
Khai thác tốt tiềm năng
Tuy mới thành lập nhưng so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Bàu Bàng vẫn là một mảnh đất được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong giai đoạn mới. Hiện nay, huyện Bàu Bàng đã và đang được đầu tư mới, đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường quan trọng để thu hút mạnh các nhà đầu tư và giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi. Điểm chúý là thời gian gần đây, KCN Bàu Bàng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn mang tầm cỡ quốc tế, tạo diện mạo mới cho địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian sống xanh - hiện đại, thuận tiện về giao thông, cũng như chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao là điều kiện đểhuyện Bàu Bàng khởi sắc, nhất là lĩnh vực TM-DV.
Hiện tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm của huyện đạt mức cao. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều chợ được xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh, hoạt động ổn định. Hàng hóa đa dạng, phong phú, hoạt động mua bán diễn ra sôi động.
Mới đây, Công ty Cổ phần TM-DV KCN Bàu Bàng khởi công xây dựng chợ - Trung tâm mua sắm KCN Bàu Bàng ở khu dân cư ấp 5, thị trấn Lai Uyên. Chợ - Trung tâm mua sắm KCN Bàu Bàng có diện tích 1,3ha, bao gồm các hạng mục khu ki-ốt A, B, C, khu chợ và khu chợ đêm. Sau khi đi vào hoạt động, không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống cho cư dân đô thị trong khu vực này, mà còn là cơ hội để khuyến khích kinh tếtư nhân, là không gian giao tiếp công cộng của người dân, một điểm nhấn, góp phần hoàn thiện những tiện ích cho KCN đô thị Bàu Bàng.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết KCN đô thị Bàu Bàng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo diện mạo mới cho địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Từ đó, thu hút thêm nhiều dân cư về đây làm ăn sinh sống, mật độ dân số của huyện tăng nhanh, góp phần vào sự phát triển của các hoạt động TM-DV. “Hoạt động thương mại, cung cầu hàng hóa trên địa bàn huyện nhìn chung ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa xảy ra. Đến nay, huyện đã vận động đầu tư xã hội hóa 9 chợ truyền thống, gồm 1 chợ trung tâm huyện và 8 chợ tại các xã, tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Số cơ sở hoạt động trong ngành TM-DV của huyện cũng tăng qua các năm, bình quân tăng 6,3 - 8,95%. Trong những tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của huyện đạt gần 1.500 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Thương cho biết thêm.
Kỳ vọng khởi sắc
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, đểđạt được kết quả nói trên, trước hết là nhờ huyện xác định đúng tiềm năng, điều kiện phát triển của địa phương đối với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đểchỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện quyết liệt trong chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực. Huyện cũng phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp lớn ngay từ sau quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch. Ngoài ra cũng nhờ thực hiện các giải pháp phát triển phù hợp, trong những năm qua, hoạt động TM-DV trên địa bàn huyện phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn xử lý các hành vi buôn bán lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc cũng được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện xuyên suốt. Mặt khác, kết cấu hạ tầng TM-DV được đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ được cải thiện, các loại hình dịch vụ phát triển nhanh và ngày càng phong phú, đa dạng, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Qua đó, TM-DV đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thương cho biết thêm, lĩnh vực TM-DV của huyện có phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên, thực tếcho thấy, các dự án đầu tư TM-DV ở địa phương có quy mô lớn còn ít, đa phần vẫn là các điểm kinh doanh mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu sự liên kết và đầu tư đồng bộ. Do vậy, huyện đang tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển TM-DV trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trong các khu dân cư tập trung, hoàn thành hệ thống chợ nông thôn, cải tạo và nâng cấp các chợ hiện có, khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa và hệ thống bán lẻ, phân bố hài hòa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phát huy lợi thế so sánh của địa phương, đẩy mạnh liên kết sản xuất - thương mại, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay…
PHƯƠNG ANH - PHÚ HÀO