Thương mại - dịch vụ: Hạ tầng hiện đại, phát triển tốc độ cao

Cập nhật: 14-10-2020 | 10:34:53

Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, văn minh, hiện đại là yếu tố trực tiếp thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thông suốt, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.


Người dân mua sắm tại Siêu thị BigC Bình Dương  

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Với ưu thế của một thành phố nằm ở cửa ngõ phía nam của tỉnh, trong những năm qua, Dĩ An đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, cải thiện hạ tầng đồng bộ nhằm bảo đảm cho việc thông thương, vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV) tại TP.Dĩ An mang sắc diện mới, hoạt động TMDV của địa phương ngày càng thêm nhộn nhịp. Tính đến nay, TP.Dĩ An đã có 2 siêu thị, 3 trung tâm thương mại (TTTM), 12 chợ, hàng chục cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn hộ kinh doanh TM-DV.

Những năm gần đây, kinh tế của TP.Dĩ An liên tục phát triển và tăng trưởng cao. Trong đó, giá trị TM-DV tăng bình quân 36,4%. Riêng năm 2019, đạt 94.953 tỷ đồng, bằng 100,18% kế hoạch năm. Trong năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới tư duy, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng, chất lượng hiệu quả TM-DV. Cùng với đó, chú trọng cải cách hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, hiệu quả và sức cạnh tranh cao… Lãnh đạo TP.Dĩ An, cho biết đến nay, diện mạo thành phố có nhiều thay đổi tích cực, nhất là việc tạo điều kiện hình thành hệ thống TM-DV văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, nỗ lực thực hiện các chương trình đột phá của Thành ủy giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 về phát triển đô thị. Trong đó, coi trọng phát triển TM-DV chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp đô thị, đưa thành phố lên tầm cao mới.

Tương tự, TP.Thuận An cũng là địa phương có tốc độ phát triển nhanh về TM-DV, với 2 siêu thị, 3 TTTM, hàng chục cửa hàng tiện ích, 25 chợ truyền thống cùng hàng ngàn hộ kinh doanh thương mại. Ông Trương Công Thạch, Trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An cho biết, từ năm 2015 đến nay, để thúc đẩy phát triển TM-DV, thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành TM-DV. Thành phố đã rà soát quy hoạch toàn bộ hệ thống chợ và siêu thị trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Ưu tiên phát triển thêm các kênh phân phối hiện đại, văn minh như siêu thị, TTTM, giúp người dân tiếp cận, lựa chọn và mua sắm các mặt hàng chất lượng. Với sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách phát triển, không khó để nhận thấy hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo TM-DV chung của TP.Thuận An phát triển rất đáng kể, hướng tới trở thành TTTM, tài chính, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh đưa vào hoạt động ổn định. Cùng với đó là sự phát triển nhanh của kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, TTTM, cửa hàng chuyên doanh đã và đang từng bước đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 106 chợ, 4 TTTM, 12 siêu thị, 266 cửa hàng tiện ích và hàng chục siêu thị chuyên doanh, hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động với các loại hình TM-DV. Qua đó, đã có tác động tích cực đến việc phát triển và làm thay đổi thêm diện mạo TM-DV và quy mô thị trường ngày càng được mở rộng.

Hướng tới văn minh, hiện đại

Ông Nguyễn Sĩ Nam, Giám đốc Vimart Dĩ An II, TP.Dĩ An cho biết doanh nghiệp chọn Dĩ An làm điểm kinh doanh bởi vì nơi đây không chỉ là địa phương có hệ thống giao thông thuận tiện, hạ tầng vững mà kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển. Với mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam, đồng thời là cầu nối đưa các sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín trong nước tiếp cận nhanh nhất đến tay người tiêu dùng, hệ thống cửa hàng Vinmart+ đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng chính sách bán hàng cũng như tăng thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Sở Công thương, mạng lưới tổ chức kinh doanh của các thành phần kinh tế không ngừng mở rộng và phát triển đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, bình quân hàng năm từ 18 - 20%. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bình Dương vẫn đang mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực TM-DV, nhất là phát triển các loại hình dịch vụ, giải trí, cửa hàng tự chọn… Ngoài ra, tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư lớn về TMDV để triển khai đúng tiến độ, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện hê thống thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp và các nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại… nhằm đưa TM-DV thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương…

Theo ông Hồ Văn Bình, việc xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư và từng bước nâng cao tỷ trọng TM-DV là điều tất yếu trong tình hình mới. Năm 2019, Đề án phức hợp TTTM Thế giới thành phố mới (WTC BDNC) đã được Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) công nhận, chính thức mở ra một vị thế mới cho Bình Dương, giúp kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, đưa Bình Dương trở thành khu vực năng động, có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển, hỗ trợ hoạt động TM-DV quốc tế tại Bình Dương và các khu vực lân cận. Đây là bước đột phá mới, nhân tố mới để góp phần nâng cao giá trị TM-DV và cũng là động lực mới, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong lương lai.   

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=667
Quay lên trên