Thương mại - dịch vụ hướng đến chất lượng cao - Kỳ 1

Cập nhật: 07-03-2022 | 08:22:24

Kỳ 1: Nắm bắt cơ hội, tạo bước đột phá

 Để vươn lên phát triển trong giai đoạn mới, cùng với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chất lượng cao, Bình Dương mời gọi đầu tư, hợp tác phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) chất lượng cao gắn với thúc đẩy chuyển đổi số.

 Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, biểu tượng của sự kết nối phát triển đã và đang được hoàn thiện

 Cân bằng thương mại - dịch vụ và công nghiệp

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết giai đoạn 2021-2025, Bình Dương tiếp tục xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại trên cơ sở phát huy tổng hợp các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, để cân bằng giữa TM-DV và công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045; tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất, xuất khẩu.

Tỉnh nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác. Với điều kiện sẵn có cùng quyết tâm chuyển đổi số, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%…

“Thực tế hiện nay, các tập đoàn, thương hiệu lớn, các bệnh viện quốc tế, trường học, ngân hàng… đều đã có mặt tại TP.Thuận An càng cho thấy tiềm năng to lớn cho ngành TM-DV của địa phương. Nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch sẽ mở rộng cánh cửa, tạo ra cơ hội lớn cho việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để thúc đẩy TP.Thuận An phát triển theo đúng định hướng, bền vững”.

(Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An)

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright và Đại học Indiana, Hoa Kỳ, với vai trò là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để Bình Dương trở thành điểm đến của các doanh nghiệp và hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.

Không để lỡ cơ hội, ngay sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Bình Dương chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm kết nối liên vùng, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, tạo môi trường phát triển bền vững. Đầu năm 2022, tin vui đến với các nhà đầu tư khi tỉnh gấp rút chuẩn bị khởi công mở rộng tuyến Quốc lộ 13 từ TP.Thủ Dầu Một đến giáp ranh TP.Hồ Chí Minh, xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, hầm chui ngã năm Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình… Tất cả nhằm tạo ra “cú hích” quan trọng để đẩy mạnh việc phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, thành phố mới Bình Dương sẽ là trung tâm để kết nối các phân khu trong “Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương”, cũng như kết nối với các tỉnh, thành, thúc đẩy lĩnh vực TM-DV chất lượng cao phát triển.

Trên thực tế, thành phố mới Bình Dương đến nay đã được định vị để trở thành thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao. Nơi đây là điểm đến của các hoạt động thương mại và giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút và phát triển các khu công nghiệp xung quanh, trở thành điểm nhấn lan tỏa, nhằm nâng cấp đô thị của Bình Dương. Cụ thể, đến nay Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương đã xây dựng xong khu triển lãm và hội nghị quốc tế. Khu phức hợp vòng xoay A1 là điểm đô thị theo mô hình TOD đầu tiên sẽ được khởi công sớm trong năm 2022. Các khu dân cư cao cấp do đối tác hàng đầu đến từ Nhật Bản - Tập đoàn Tokyu, bước đầu thỏa mãn được nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân cũng như các nhà đầu tư, chuyên gia… Khu thương mại điện tử xuyên biên giới, khu trung tâm tài chính, ngân hàng... và nhiều phân khu khác đều đã hình thành.

Các địa phương cùng nỗ lực

Đô thị mới hình thành là điều kiện để Bàu Bàng quy hoạch phát triển bài bản. Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cùng với thu hút lĩnh vực công nghiệp, Bàu Bàng đã và đang thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực TM-DV, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị TM-DV xứng tầm với công nghiệp. Đặc biệt, thời gian sắp tới huyện sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực logictics cùng với việc xây dựng trung tâm logistics, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp trong tình hình hiện nay. “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, Bàu Bàng xác định ngành logistics là ngành kinh tế tiềm năng, có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng trong nền kinh tế, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại quốc tế phục hồi, tăng trưởng. Kỳ vọng rằng thời gian tới, Bàu Bàng sẽ trở thành trung tâm logistics hiện đại kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…”, ông Võ Thành Giàu khẳng định.

Lãnh đạo TP.Thuận An cũng cho biết địa phương kiên định mục tiêu phát triển, tận dụng lợi thế vị trí giao thoa giữa 2 địa phương có nền kinh tế phát triển là TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương để vươn lên trở thành đô thị dịch vụ chất lượng cao, phát triển theo hướng thông minh, hiện đại. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, giai đoạn 2020- 2025 thành phố tiếp tục đề ra phương hướng đưa đô thị đạt tiêu chí loại I vào năm 2025 với động lực phát triển là ngành dịch vụ nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng; nỗ lực tận dụng lợi thế hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư để Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết thành phố đang nỗ lực thực hiện các chương trình đột phá của Thành ủy bằng việc ban hành kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Để tiếp tục phát triển bền vững, TP.Dĩ An đang đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quy mô lớn, như Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khu đô thị TM-DV Đông Bình Dương, đường giao thông nối Quốc lộ 1K với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và khu phức hợp Đông Hòa, đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, đường trục chính Đông - Tây... Đồng thời, TP.Dĩ An sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai gần 20 dự án nhà ở cao tầng kết hợp với trung tâm thương mại trên địa bàn. (Còn tiếp)

 Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC: Becamex IDC tiếp tục đồng hành cùng Bình Dương triển khai nhiều chương trình đột phá giai đoạn tiếp theo, như: Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, kiến nghị Chính phủ cho Bình Dương nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải, kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về phía TP.Dĩ An, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, khu công nghiệp thông minh và khu đô thị thông minh. Đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thành phố thông minh IOC, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ sinh thái của Becamex IDC…

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=539
Quay lên trên