Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư bởi chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV) đồng bộ đã tạo nên tiềm lực song hành cùng với việc phát triển công nghiệp, đưa tỉnh nhà đi trên con đường bền vững, đời sống người dân ngày một văn minh.
Kỳ 1: Hạ tầng mở lối đi lên
Công nghiệp phát triển, hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy thương mại - dịch vụ đi lên. Trong ảnh: Trung tâm thương mại AEON MALL tọa lạc trên tuyến Quốc lộ 13 đoạn qua TP.Thuận An. Ảnh: XUÂN THI
Vươn mình mạnh mẽ
Bình Dương là một trong những địa phương phát triển các khu công nghiệp (KCN) sớm tại Việt Nam và đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997. Trong đó, dịch vụ tăng 112,2 lần và công nghiệp tăng 140,6 lần. Tốc độ tăng trưởng đó đưa Bình Dương trở thành vùng đất có thu nhập trung bình cao với GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD/người/năm và là tỉnh có bước phát triển mạnh về TM-DV.
Bình Dương tiếp tục tìm kiếm một mô hình mới, tổng thể và toàn diện hơn, giúp không chỉ phát triển công nghiệp đơn lẻ mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị. Với bước đi chiến lược, Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng TM-DV mà còn học cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, tại thời điểm hình thành KCN VSIP I ở TP.Thuận An và sau này là Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ, các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh đã đồng hành cùng tỉnh, phát triển và mở rộng Quốc lộ 13. Đây là trục giao thông đầu tiên, quan trọng, kết nối hạ tầng làm đòn bẩy cho việc kết nối hệ thống KCN của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hình thành quy hoạch giao thông vùng, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng tiếp tục được hình thành để hoàn thiện trục giao thông kết nối về cảng biển, sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, cảng Cái mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, các tuyến đường theo trục ngang, kết nối nội tỉnh như ĐT743, ĐT746, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… và một số đoạn của tuyển Vành đai 3, Vành đai 4 tạo nên hệ thống giao thông liên kết vùng, kết nối các KCN với nhau và kết nối hệ thống các KCN tới các cảng biển, sân bay quốc tế, tạo thành một quần thể hoàn chỉnh củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Điều đó đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng các KCN lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, cùng hàng triệu người dân đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương.
Theo anh Phạm Văn Đông (TP.Thuận An): “Hơn 20 năm trước, khi gia đình chúng tôi nằm trong diện giải tỏa làm Quốc lộ 13, thành phố này vẫn còn rất hoang vắng. Khi KCN VSIP I và các KCN khác ra đời, kéo theo sự phát triển nhiều ngành nghề phục vụ cho nhu cầu của người dân. Trong lần mở rộng Quốc lộ 13 này gia đình tôi cũng nằm trong diện đền bù giải tỏa. Rồi đây, Thuận An sẽ tiếp tục phát triển khang trang hơn với hàng loạt các trung tâm thương mại, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, sân golf, trở thành trung tâm đô thị, dịch vụ của tỉnh…”.
Giữ vững thế cân bằng
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong giai đoạn mới, với định hướng phát triển kinh tế cân bằng để xây dựng thành phố thông minh, bền vững, Bình Dương đã ưu tiên đầu tư hạ tầng dịch vụ, thu hút đầu tư, vận hành hiệu quả kết cấu hạ tầng TM-DV, từng bước chuẩn hóa nền tảng thương mại của tỉnh, gia nhập vào các hiệp hội thương mại quy mô lớn của quốc tế. Thông qua các đề án thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, với mong muốn thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, thu hút nguồn nhân lực, nhằm xây dựng một cộng đồng Bình Dương thông minh và đáng sống.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright và Đại học Indiana, Hoa Kỳ, nhận định với vai trò là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, TM-DV của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn hiện nay sẽ là cơ hội để Bình Dương trở thành điểm đến của các doanh nghiệp và hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
Trên thực tế, qua thời gian, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác, thu hút các nhà đầu tư FDI phát triển hạ tầng TM-DV, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu và phát triển thành phố thông minh. Đồng thời, tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm của tỉnh là hạ tầng giao thông đi trước một bước, coi giao thông là mạch máu của nền kinh tế nhằm tạo động lực mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, hình thành đô thị, nâng cao dịch vụ và đời sống của nhân dân. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, cho biết Bình Dương được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến nay, mạng lưới giao thông ở Bình Dương có trên 7.420km; trong đó quốc lộ đi qua địa bàn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13 đã hoàn thành nâng cấp mở rộng... Đây được cho là yếu tố quan trọng, là điểm sáng giúp Bình Dương thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là dòng vốn TM-DV chất lượng cao được kỳ vọng sẽ đổ vào Bình Dương, tiếp tục nâng tầm phát triển.
Ông Hirata Shuji, Phó Tổng Giám đốc Công ty Becamex Tokyu, cho biết: “Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mạnh đã đặt bút ký kết đầu tư vào Bình Dương trong lĩnh vực hạ tầng, TM-DV. Với tất cả những triển vọng từ thực tế đó, tôi tin rằng Bình Dương đang dần trở thành một trong những thành phố thu hút sự chú ý nhất hiện nay ở Việt Nam, một thành phố đáng sống bậc nhất của Việt Nam”. (còn tiếp)
TIỂU MY