Trong 6 tháng đầu năm 2022, vượt lên những khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Mạng lưới phân phối bán buôn ổn định, hệ thống bán lẻ, dịch vụ có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, chất lượng được cải thiện.
Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát hoạt động cung ứng hàng hóa tại Siêu thị MM Mega Market
Ổn định, bền vững
Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 133.300 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá. Đến thời điểm hiện nay, 100% các doanh nghiệp (DN), chợ, siêu thị trên địa bàn đã hoạt động trở lại ổn định.
Trong dịch bệnh, khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đột ngột, thị trường gặp nhiều khó khăn và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các DN, cửa hàng đã điều chỉnh và đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh ngắn hạn cấp bách cũng như chiến lược trung và dài hạn để vượt qua khó khăn. Sau dịch bệnh, các đơn vị trong lĩnh vực thương mại bắt tay đa dạng phương thức, tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối. Các đơn vị có nhiều nỗ lực cơ cấu lại hoạt động theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh, tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành công thương tăng cường công tác bảo đảm trật tự và bình ổn thị trường, chủ động tổ chức, thực thi chặt chẽ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực thương mại; phối hợp với các ngành kiểm soát tình trạng gian lận thương mại, thâu tóm thị trường, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng. Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, các kênh phân phối chú trọng phát triển hàng Việt trong chuỗi cung ứng của mình để mang về lợi ích nhiều mặt, tạo ra những cơ hội lớn cho các DN Việt chiếm lĩnh, giữ vững thị trường nội địa. Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Siêu thị Aeon Mall Bình Dương, cho biết 6 tháng đầu năm doanh thu của đơn vị tăng 10% so với cùng kỳ. Hiện nay, hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80 - 90% trên các kệ hàng. Đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất để phục vụ người tiêu dùng, cũng như chủ động triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dành cho hàng Việt, kết nối các sản phẩm địa phương; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, phát triển nhiều hình thức kinh tế số.
Tạo tiền đề hội nhập sâu rộng
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết việc thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển thương mại hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững chính là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước phát triển, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, DN sản xuất. Ngành công thương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, từng bước phát triển thương mại trong nước ổn định và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng thương mại trong nước vào khu vực dịch vụ và GDP của cả tỉnh. Tỉnh đã và đang xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn.
Với xu hướng phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, ngành công thương phối hợp với các ngành hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương, cho biết bằng những nỗ lực bền bỉ, đến nay DN không chỉ ý thức về khái niệm phát triển bền vững, mà họ còn thấm thía sự “sống còn” của việc phát triển bền vững, đặc biệt là khi phải đối mặt với cú “sốc” đại dịch Covid-19. Những DN không kịp thích ứng, ngay lập tức sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình trệ, đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể. Ngành sơn mài từng bước chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để thích ứng bền vững trong bối cảnh hiện nay.
TIỂU MY - CẨM TÚ