Thương mại - dịch vụ nhanh chóng trở lại

Cập nhật: 27-10-2021 | 08:19:56

 Cùng với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua huyện Bàu Bàng đã tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV). Tuy nhiên, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động TM-DV đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Hiện tại, huyện đã và đang đề ra các giải pháp để tập trung triển khai, đáp ứng tốt vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng...

 Các chợ trên địa bàn trở lại hoạt động, tiểu thương và khách hàng đều phấn khởi. Trong ảnh: Hoạt động buôn bán ở chợ Bàu Bàng

 Duy trì đà tăng trưởng

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả những nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, hoạt động TM-DV của huyện phát triển phong phú, đa dạng, với nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội, như: Tín dụng, bưu chính viễn thông, xây dựng, giao thông - vận tải, thương nghiệp tiêu dùng, dịch vụ nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ăn uống... Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa ngày càng được mở rộng, sản phẩm hàng hóa cũng như chất lượng các loại hình dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Trong 9 tháng của năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của huyện đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng 12,42% so với cùng kỳ. Hoạt động TM-DV nhìn chung ổn định; hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú; không có tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra trên địa bàn. Trong 9 tháng của năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả hàng hóa có biến động tăng, giảm theo quy luật cung cầu nhưng không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tạo khan hiếm ảo trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết những năm qua, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa các địa phương lân cận phát triển hơn. Ngoài ra, mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện đang từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý, việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hoạt động TM-DV phát triển, sức mua hàng hóa ngày một tăng cao.

Năm 2021, huyện đề ra kế hoạch tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24 - 25%. Nhằm thúc đẩy phát triển TM-DV, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành TM-DV; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đến đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trong các khu dân cư tập trung trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hàng năm, cùng với các doanh nghiệp, huyện bố trí nguồn vốn đầu tư hệ thống chợ nông thôn, cải tạo và nâng cấp các chợ hiện có trên địa bàn.

Phấn khởi hoạt động trở lại

Ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều loại hình dịch vụ hoạt động nhộn nhịp, trong đó có tiệm cắt tóc, tiệm sửa xe máy, quán ăn, quán cà phê… khá đông khách. Điều này không chỉ giúp người dân có điều kiện bắt nhịp với cuộc sống thường ngày, khôi phục nguồn thu mà còn cho thấy việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn huyện.

 Trên địa bàn huyện hiện có 9 chợ truyền thống gồm 1 chợ trung tâm huyện, 8 chợ tại các xã và trên 8.000 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực TM-DV tập trung vào các lĩnh vực, như: Nhà hàng, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa… Số cơ sở hoạt động trong ngành TM-DV của huyện cũng tăng qua các năm, bình quân tăng 6,3 - 8,95%.

Anh Lê Văn Tâm, quản lý cửa hàng sửa xe máy Đức Tâm (khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên) phấn khởi chia sẻ, chỉ trong buổi sáng đầu tiên mở cửa trở lại, tiệm đã đón hàng chục lượt khách đến bảo trì, kiểm tra, thay nhớt, sạc bình, vá vỏ… Bà Ngô Thanh Vân (khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên), cho biết: “Khi tất cả các cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống được phép mở bán trở lại, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện rất phấn khởi. Bản thân tôi rất mừng vì có thể bán đồ ăn sáng trở lại sau hơn 3 tháng đóng cửa. Thời gian đầu hoạt động lại, tôi tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế và chỉ phục vụ mang về. Nhưng nay đã cho phép phục vụ tại chỗ, chúng tôi lại càng phấn khởi hơn”.

Tại chợ Bàu Bàng, sự nhộn nhịp đã bắt đầu quay trở lại trong những ngày đầu mở cửa hoạt động sau thời gian tạm đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên Ban Quản lý chợ Bàu Bàng, cho biết khi thông báo hoạt động chợ trở lại, hầu hết các tiểu thương đều vui mừng, phấn khởi. Việc cho chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm bảo đảm việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương bán quần áo ở chợ Bàu Bàng, cho biết được bán hàng trở lại, chị rất phấn khởi vì có điều kiện thu hồi vốn. Bởi, trong thời gian giãn cách xã hội tạm ngưng hàng bị tồn đọng nhiều. Chị mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để công việc buôn bán sẽ được thuận lợi, cuộc sống dần ổn định hơn.

Để quá trình hoạt động trở lại được lâu bền, mọi người đến chợ đều chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tiểu thương Võ Thị Nga ở chợ Lai Hưng, cho biết: “Chợ mở cửa trở lại tiểu thương chúng tôi rất vui mừng, bà con mua bán thuận lợi. Giờ tôi đã có thêm thu nhập để lo cuộc sống gia đình”.

 PHƯƠNG ANH - B.BÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên