Thương mại - dịch vụ tiếp đà tăng trưởng tích cực
(BDO) Trong 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bình Dương đạt mức tăng trưởng cao, đưa lĩnh vực này tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà trong những tháng cuối năm 2024.
Phục hồi mạnh mẽ
8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt 224.469 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng lĩnh vực này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp kích cầu hệ thống phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và tiểu thương.
Hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng tiện ích ở thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: THANH HỒNG
Theo Sở Công thương, từ đầu năm 2024 sở đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối DN phân phối của tỉnh với nguồn hàng tại các địa phương nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường. Bên cạnh những giải pháp dài hạn như xây dựng chuỗi cung ứng, hỗ trợ sản xuất, Sở Công thương còn hỗ trợ DN cung ứng, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước. Dự báo trong thời gian tới, ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) tiếp tục làđiểm sáng của nền kinh tế tỉnh nhà. Một số lĩnh vực TM-DV có thể duy trì đà tăng trưởng cao nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng để mở rộng thị phần tại thị trường nội địa.
Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị Go Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một), cho biết 8 tháng năm 2024 doanh số của siêu thị ước tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, trong những tháng cuối năm doanh số của siêu thị sẽ tăng cao hơn, do cuối năm sức mua tăng, cùng với đó là những chương trình khuyến mại kích cầu được thực hiện.
Khách hàng tham quan, mua sắm tại một gian hàng tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Bình Dương 2024 tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh
Hiện UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đang triển khai quy hoạch về TM-DV; cập nhật, quản lý quy hoạch một cách phù hợp, đồng bộ, đúng quy định, nhất là đối với dịch vụ logistics, du lịch…
Bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngành TM-DV của tỉnh đã và đang có nhiều nỗ lực về chuyển đổi số, tạo tiền đề để phát triển kinh tế số, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thương mại điện tử; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng xanh…
Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Xu thế tiêu dùng số, TMĐT đang phát triển nhanh chóng. Bên cạnh việc DN tập trung phát triển các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến, việc bảo đảm thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn trên các nền tảng số cũng là vấn đề các ngành, các cấp, DN cần quan tâm, lưu ý để góp phần giữ chữ tín, thương hiệu cho DN; đồng thời giúp người tiêu dùng có thêm nhiều kênh mua sắm tiện ích, an toàn… |
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển lĩnh vực này nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới; hỗ trợ các DN xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này cũng chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực TMĐT và xử lý các hành vi vi phạm hành chính; nắm bắt tình hình phát triển TMĐT làm cơ sở cho việc triển khai chính sách và thực thi pháp luật về TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết ngành công thương được UBND tỉnh giao hỗ trợ cho DN sản xuất, kinh doanh tiếp cận các hoạt động TMĐT; lựa chọn DN đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, tham gia chương trình “Gian hàng Việt Nam” trên các sàn TMĐT. Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến cho các DN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành công thương được giao phối hợp với các sàn TMĐT lớn, uy tín (Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki...) tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo kết nối, hỗ trợ DN, hợp tác xã, cá nhân mở gian hàng trên sàn TMĐT nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng; phối hợp với các hệ thống bán lẻ/bán buôn TMĐT Amazon Global Selling, Google, Alibaba… tổ chức các sự kiện kết nối về TMĐT kết hợp khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các sàn giao dịch TMĐT quốc tế nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa…
TM-DV tiếp tục là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà trong năm 2024. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Bình Dương
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công thương, cho biết trong vài năm gần đây thị trường TMĐT ở Bình Dương ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số. Trong thời gian tới, Sở Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch mua bán trên sàn TMĐT; phối hợp với các địa phương tuyên truyền để DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn, triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
TIỂU MY