Thương mại điện tử không phải “đũa thần”

Cập nhật: 17-12-2022 | 10:25:08

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm qua đạt quy mô 5 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với 4 năm trước. Báo cáo của Google và Temasek dự báo, năm 2025, thị trường kỳ vọng đạt 23 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chỉ là ước đoán trước khi Covid-19 bùng phát.

Tại Bình Dương, nhìn lại thời kỳ Covid-19 bùng nổ, đại dịch kéo cả nền kinh tế bước vào “kỳ nghỉ đông” trọn quý và đạt đỉnh điểm trong thời gian giãn cách xã hội. Các cửa hàng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Gần như toàn ngành bán lẻ và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh truyền thống lâm vào cảnh hụt doanh thu. TMĐT lúc này trở thành cứu tinh và thu hút sự quan tâm chưa từng có của DN. Đây được xem là động lực khổng lồ thúc đẩy TMĐT Bình Dương bứt phá vượt cả mong đợi.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát với nhiều bước tiến mới, kinh doanh TMĐT không đơn giản chỉ là tạo ra gian hàng, đưa sản phẩm lên thì tự khắc có người mua. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nhà bán hàng online càng gay gắt hơn khi số lượng DN chuyển đổi số tăng đột biến. Với cùng một mô hình quản trị, từ lộ trình phát triển sản phẩm, tiếp thị, thu hút khách hàng, bán hàng đến chăm sóc khách hàng, hậu mãi..., bài toán đặt ra là làm thế nào để DN bán hàng online có thể tăng lợi thế cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Thêm vào đó, giai đoạn hậu Covid-19, do ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, việc làm và thu nhập, người tiêu dùng dường như suy xét nhiều hơn trước các khoản chi tiêu không thiết yếu, mà một trong số đó là khoản phí giao hàng khi mua sắm trên nền tảng số. Thêm vào đó, phí giao hàng cao hoặc điều kiện sử dụng mã giảm giá vận chuyển phức tạp tại một số nền tảng TMĐT hiện nay đã phần nào khiến người tiêu dùng ngập ngừng hơn trong quyết định mua sắm, vô hình chung dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công thấp.

Trước thực trạng này, các nhà bán hàng, các DN cần xác định rõ rằng TMĐT không phải “đũa thần” có thể phù phép doanh thu tăng thần tốc ngày một ngày hai. Để kinh doanh hiệu quả trên kênh TMĐT, DN cần chuẩn bị chắc 3 yếu tố: Kế hoạch triển khai lộ trình kinh doanh; ngân sách và nguồn lực nhân sự; cuối cùng là tâm thế liên tục cải tiến dịch vụ. Sự khác biệt giữa kinh doanh offline và online đến từ khả năng tận dụng các công cụ hỗ trợ quản trị và tăng doanh thu để giúp bán hàng online nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=215
Quay lên trên