Thương những mảnh đời bỗng hóa mồ côi – Bài 2

Cập nhật: 24-11-2021 | 09:13:38

Bài 2: Những mảnh đời chông chênh...

Có những đứa trẻ, chỉ mới vài ngày trước thôi còn nô đùa cùng ba, mẹ; mà nay: “Ba (mẹ) ơi! Ba (mẹ) đâu rồi...”. Nước mắt con rơi, lòng ba, mẹ quặn thắt. Trong đại dịch Covid-19 tàn khốc, có những con người mãi mãi không quay trở về, bỏ lại đôi mắt con trẻ ngơ ngác giữa trần gian...


Ba đã ra đi trong cơn đại dịch, giờ đây Lý Thanh Trúc và anh hai là điểm tựa duy nhất của mẹ

Mẹ ơi đừng khóc!

“Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa! Mẹ khóc thì bọn con cũng khóc theo, con đau lòng quá mẹ ơi”... Tiếng nấc nghẹn ngào của cô bé Lý Thanh Trúc vỗ về, an ủi mẹ mình bên bàn thờ của ba khiến chúng tôi xé lòng. Ngôi nhà này trước đây luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng kể từ khi ba mất, nó trở nên u buồn, ảm đạm hơn bao giờ hết. Dù mới học lớp 5 nhưng em Lý Thanh Trúc, học sinh trường Tiểu học Bình Hòa 2 dường như đã trở nên cứng cáp, hiểu chuyện hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều, bởi em hiểu lúc này đây em và anh hai phải trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết để làm điểm tựa cho mẹ.

Con hẻm nhỏ Bình Hòa 19, khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa, (TP.Thuận An), nơi dẫn vào nhà em Trúc trong những ngày tháng 7, tháng 8 vừa qua là một trong những “vùng đỏ đậm đặc” phải thực hiện “khóa chặt, đông cứng” trên địa bàn TP.Thuận An. Trong những ngày “đỉnh dịch” đã có nhiều người bị “giặc Covid” cướp đi sinh mạng khiến nhiều gia đình ly tán, họ phải mất đi người thân yêu ruột thịt của mình, trong đó có gia đình em.

Trong căn nhà nhỏ, bàn thờ của ba Trúc đang nghi ngút khói hương, tiếng gõ mõ tụng kinh phát ra từ chiếc máy cứ đều đặn lặp đi lặp lại nghe thật não lòng. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là trên bàn thờ ấy lại không có di ảnh người đã khuất. Khi chúng tôi hỏi, chị Đỗ Thị Nguyện, mẹ em Trúc nước mắt lưng tròng, nói: “Cứ thấy hình ảnh của anh là 3 mẹ con đều khóc, vì nhìn ảnh là quá nhớ thương người nên tôi quyết định không thờ di ảnh”... Lúc này bao nhiêu nỗi xúc động, nhớ thương trong chị bỗng tuôn trào, chị bật khóc nức nở với chúng tôi: “Ngày đó 2 vợ chồng cùng nhiễm bệnh, anh đi cách ly ở bệnh viện dã chiến số 3, còn tôi cách ly ở địa phương. Nhưng chỉ mới 1 tuần sau đó, đang ở trong khu cách ly thì tôi nhận tin anh đã mất, trời đất như sụp đổ trước mắt. Không ngờ đại dịch này đã gọi tên gia đình tôi và cướp đi mất người chồng của tôi. Ngày trở về, chỉ còn mỗi tôi đơn độc, anh đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi rồi”. Có lẽ, ảnh của người đã mất dù không đặt nơi bàn thờ mà nó đã được đặt trong trái tim của 3 mẹ con chị Nguyện, nơi sẽ mãi lưu giữ hình ảnh về một người chồng, người cha mẫu mực rất thương yêu vợ, con.

“Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa! Mẹ khóc thì bọn con cũng khóc theo, con đau lòng quá mẹ ơi”... Tiếng nấc nghẹn ngào của cô bé Lý Thanh Trúc vỗ về, an ủi mẹ mình bên bàn thờ của ba khiến chúng tôi xé lòng. Ngôi nhà này trước đây luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng kể từ đi ba mất, nó trở nên u buồn, ảm đạm hơn bao giờ hết. Dù mới học lớp 5 nhưng em Lý Thanh Trúc, học sinh trường Tiểu học Bình Hòa 2 dường như đã trở nên cứng cáp, hiểu chuyện hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều…

Chị Nguyện kể, quê chị ở Nam Định, còn anh ở Cần Thơ. Hữu duyên gặp nhau tại đất Bình Dương, rồi anh chị nên duyên vợ chồng. Cuộc sống càng viên mãn hơn khi anh chị lần lượt đón con trai rồi con gái chào đời. Trong ngôi nhà ấy dẫu còn nhiều khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Giờ đây, thay vào đó là nỗi buồn không nói thành lời. Ngày anh còn sống, anh thường căn dặn 2 con phải cố gắng học thật tốt, chỉ cần học thôi, tất cả cứ để ba lo. Đời ba khổ rồi thì ba không muốn đời con cũng khổ. Vì vậy, anh cày ngày, cày đêm, chạy từng cuốc xe ôm. Còn chị làm công nhân công ty, dù cuộc sống không dư dả nhưng cũng không để 2 con thiếu thốn. Nay anh mất rồi gánh nặng vừa làm mẹ, vừa làm cha đang đè nặng lên vai chị. Điều chị đau đáu trong lòng nhất lúc này đó là việc con trai lớn của chị đang học năm cuối cấp, khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình lúc này, em đã tự động xin bảo lưu kết quả học tập. Vì theo em thời gian này em chọn ở nhà để chăm sóc mẹ, khi tinh thần mẹ dần ổn định, tình hình dịch bệnh cũng ổn định em sẽ đi làm để tự trang trải học phí đi tiếp con đường đèn sách đang dang dở.

Anh mất đi còn để lại đó nỗi lo về món nợ tiền xây căn nhà hơn 100 triệu vẫn chưa trả xong. “Tôi cũng đã lớn tuổi, có lẽ khó đi xin việc ở các công ty, nếu công ty cũ không gọi đi làm có lẽ tôi sẽ đi bán vé số. Còn sức là còn làm, bằng mọi cách tôi phải làm việc để thay anh trả món nợ và lo cho 2 con ăn học tới nơi tới chốn”, chị Nguyện khẳng định. Để tiếp thêm động lực cho mẹ, em Trúc động viên: “Con và anh hai sẽ cố gắng học hành thật tốt, sẽ luôn bên mẹ để ở trên trời ba sẽ được yên lòng”...

“... mồ côi mẹ lót lá mà nằm”

Câu tục ngữ trên nói về thân phận đáng thương của những đứa trẻ mồ côi mẹ. Dù mất đi cha hay mẹ cũng đều đáng thương nhưng không phải tự nhiên mà lại có câu tục ngữ này. Có thể hiểu, mồ côi cha con còn ấm bụng, no lòng, còn mồ côi mẹ thì “đói cơm, khát nước biết người nào lo”. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình xưa nay vốn là việc chăm lo, vun vén cho gia đình, là chăm sóc, yêu thương chồng con. Khi vắng bóng người phụ nữ khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Chúng tôi muốn nói về hoàn cảnh của em Nguyễn Thiện Minh, học sinh lớp 8A16, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP.Thuận An). Khi chúng tôi đến nhà em có thể thấy đôi mắt mệt mỏi của em sau những đêm mất ngủ vì thương nhớ mẹ. Minh nói: “Trong đợt dịch vừa qua, em không may đã mất mẹ. Em thật sự rất nhớ mẹ, nhớ lại những ngày mẹ còn sống 2 mẹ con thường ra sau vườn nhổ cỏ, mẹ còn dạy em cách bắt cơm, chiên trứng, rửa bát và mọi khi thì 2 mẹ con cùng làm với nhau, nay thì chỉ còn mỗi mình em”... Nói đến đây Minh nghẹn ngào, bật khóc.

Nhiễm Covid-19 khi đang mang thai, sau khi sinh em út, mẹ Minh đã không qua khỏi, bỏ lại 4 cha con. Là anh cả trong gia đình có 3 anh em trai, Minh bỗng trở thành đứa trẻ trưởng thành phải thay phần mẹ đỡ đần công việc nhà giúp ba. Minh phân công em trai giữa sẽ phụ trách rửa chén, bát 3 ngày, còn mình phụ trách 4 ngày còn lại và các công việc khác như cắm cơm, quét nhà, phơi đồ… phụ giúp ba.

Bi đát hơn cả có lẽ là những đứa trẻ mất cả bố lẫn mẹ như trường hợp của em Hồ Tiểu Lợi, lớp 7A1, trường THCS Bình An (TP.Dĩ An). Từ nhỏ, em đã không có cha, bao nhiêu tình cảm 2 mẹ con dành hết cho nhau. Thời gian qua, mẹ con Lợi sống nương nhờ tại Trung tâm Nhân đạo Quê hương (TP.Dĩ An). Vài tháng trước 2 mẹ con Lợi đều nhiễm Covid-19. Mẹ em được đưa đi cách ly điều trị ở bệnh viện dã chiến. Mẹ một nơi, con một nơi và Lợi không ngờ đó cũng chính là lần cuối cùng Lợi còn được gặp mẹ. Đại dịch đã cướp đi người thân còn lại duy nhất của em. Từ nay vắng bóng mẹ, Lợi chính thức trở thành trẻ mồ côi...

“Còn cha còn mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây/ Đờn đứt dây còn xoay còn nối/ Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi/ Mồ côi khổ lắm ai ơi... ”, lời bài hát cứ làm chúng tôi day dứt mãi. Con đường tương lai của các em sao quá gập ghềnh… (còn tiếp)

THU THẢO - NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1145
Quay lên trên