Về Bình Dương vào dịp Lễ hội Rằm tháng Giêng, bên cạnh việc viếng chùa, đông đảo du khách còn tìm mua các món bánh đặc sản để làm quà cho người thân và bạn bè. Với hương vị thơm ngọt và giòn tan khi ăn, cốm ngò đã trở thành một trong số các loại bánh đặc sản ấy.
Nhiều năm trở lại đây, từ ngày mùng 6 đến 16 tháng giêng âm lịch, tại các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Thầy Giáo Chương luôn tấp nập các quầy hàng bán bánh do người Hoa ở TP.Hồ Chí Minh trực tiếp làm và đứng bán. Với hương vị thơm ngon, hình dáng đẹp bắt mắt, giá cả phải chăng nên các loại bánh như: cốm ngò, bánh xếp, bánh tiêu, bánh tổ đã trở thành món ăn đặc sản vào mỗi dịp Lễ hội Rằm tháng Giêng ở Bình Dương. Nhưng đặc biệt thu hút du khách tham gia lễ hội nhất có lẽ là cốm ngò. Bởi cốm được làm tại chỗ, du khách có thể tận mắt theo dõi các quy trình làm nên một chiếc bánh cốm vàng sậm thơm phức có điểm thêm màu xanh của ngò rất hấp dẫn.
Du khách mua cốm ngò trong Lễ hội Rằm tháng Giêng ở Bình Dương
Trò chuyện với ông Lương Quảng Hùng (SN 1960, quận 11, TP.Hồ Chí Minh), chủ tiệm bánh Hùng Ký, người theo nghề làm cốm ngò đã lâu và gắn bó với Lễ hội Rằm tháng Giêng ở Bình Dương đã 35 năm. Với niềm đam mê và có nhiều tâm huyết với nghề, ông Hùng đang truyền nghề cho 2 người con là Lương Ngọc Diễm (SN 1989) và Lương Tuấn Vĩ (SN 1993). Ông Hùng cho biết: “Đã thành thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán là cả nhà tôi và hàng chục người thợ cùng nhau lên Bình Dương làm cốm phục vụ du khách. Lúc đầu, chúng tôi chỉ thuê một mặt bằng để mở tiệm bán với khoảng 100kg cốm. Sau nhiều năm gắn bó và luôn giữ vững uy tín cũng như chất lượng cốm nên chúng tôi thuê nhiều mặt bằng và số lượng cốm ngò bán ra lên đến gần 2 tấn mỗi dịp lễ”.
Để kịp thời phục vụ du khách, ông Hùng đã chủ động mang theo nào là mì, đường thẻ, mạch nha, dầu ăn, bình gas và cả tiệm cùng ăn cùng ngủ, thay phiên nhau túc trực 24/24. Theo ông Hùng, để có một chiếc bánh cốm ngò thơm ngon, khâu quan trọng nhất là chiên mì. Mì phải được chiên giòn trong chảo dầu đang sôi. Kế đến là khâu tạo vị ngọt bằng cách nấu đường thẻ với mạch nha. Sau khi đường và mạch nha sệt lại, đạt đến độ dẻo nhất định thì tắt lửa, cho mì chiên giòn vào đảo đều, rồi đổ ra khuôn. Người làm cốm sẽ dùng thước gỗ và cây lăn ép cho cốm bằng đều khắp khuôn. Sau đó trang trí ngò lên mặt cốm, cắt khúc vừa ăn, chờ cốm nguội rồi bỏ vào bịch. Vừa được thỏa sức làm cốm, vừa hòa chung với không khí của lễ hội ở Bình Dương nên từ lâu chúng tôi đã xem đây cũng là tết của mình.
Trong tiết trời hanh nắng, sau khi đi viếng chùa, thưởng thức cốm ngò với vị giòn ngọt, thơm béo nhưng không ngán thì không còn gì bằng. Vì thế, nhiều du khách đã không ngần ngại mua cốm ngò về làm quà cho người thân và bạn bè như mang hương vị đặc sản của Lễ hội Rằm tháng Giêng chia sẻ cho mọi người.
MINH HIẾU