Thường vụ Quốc hội băn khoăn về bổ sung một số dự án mới

Cập nhật: 04-05-2012 | 00:00:00

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Quốc hội đã có nghị quyết không bổ sung dự án mới, nên các dự án mà Chính phủ trình ra phải có tính thuyết phục.

Sáng 4/5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 8. Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận về việc bổ sung một số dự án mới chưa có trong Danh mục quy định tại Nghị quyết 12/NDD-QH13 và dự án điều chỉnh tăng quy mô; phương án phân bổ 5.500 tỷ đồng cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi.

Tiêu chí nào để lựa chọn dự án bổ sung?

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày Báo cáo tóm tắt về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trái phiếu chính phủ, trong đó trình UBTVQH xem xét bổ sung 5 dự án mới và 4 dự án điều chỉnh quy mô.

 Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung 5 dự án mới là: Dự án Cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh do Bộ GTVT quản lý; Cầu Kim Xuyên, Tuyên Quang; Xây dựng công trình nhà ở sinh viên của trường Đại học Trà Vinh; Dự án bệnh viện ung thư thành phố Đà Nẵng; 5 dự án thành phần thuộc dự án ven biển tỉnh Ninh Thuận.

Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính-Ngân sách đề nghị cần rà soát, xem xét lại tính hợp lý của việc bố trí vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 cho các dự án tăng quy mô như Tờ trình của Chính phủ.

4 dự án điều chỉnh tăng quy mô gồm: Xây dựng hạng mục hoàn trả các tuyến đường bị hư hỏng do thi công đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) tại huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Dự án xây dựng quốc lộ 14C kéo dài từ ngã ba đi Lộc Ninh...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nêu rõ, đối với 4 dự án mới, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí việc bổ sung 4 dự án mới như Tờ trình của Chính phủ vào danh mục vốn TPCP giai đoạn 2012-2015.

Ủy ban cho rằng, Dự án xây dựng Cầu Năm Căn (tỉnh Cà Mau) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh là chiếc cầu cuối cùng tạo nên sự thông suốt của tuyến đường Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, đảm bảo thực hiện quy hoạch thị trấn Năm Căn thành khu công nghiệp dịch vụ khai thác dầu khí, cảng biển. Ủy ban đề nghị Quốc hội chấp thuận việc bổ sung vào danh mục và bố trí 649 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 để thực hiện dự án trên.

Về dự án Cầu Kim Xuyên, tỉnh Tuyên Quang (đề nghị bổ sung và bố trí 291 tỷ đồng) được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 2.

Dự án xây dựng nhà ở sinh viên của Trường Đại học Trà Vinh (đề nghị bổ sung và bố trí 320 tỷ đồng) nhằm ổn định xã hội, giải quyết khó khăn về chỗ ở cho sinh viên dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng đã được TP Đà Nẵng triển khai thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương và vốn huy động khác. Đến nay, số kinh phí đã bố trí là 624 tỷ đồng, số vốn còn thiếu là 350 tỷ đồng, đề nghị Quốc hội chấp thuận việc bổ sung vào danh mục và bố trí 221,9 tỷ đồng vốn TPCP để hoàn thành dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Nghị quyết 12 của Quốc hội mới thông qua quy định rõ không bổ sung dự án mới nên việc bổ sung dự án mới cần cân nhắc kỹ. “Muốn bổ sung dự án chắc chắn phải chỉnh sửa Nghị quyết 12 hoặc có nghị quyết mới, trong khi Nghị quyết 12 thông qua chưa được 6 tháng là điều cần suy nghĩ. Liệu thời gian tới có còn dự án xin bổ sung nữa không?”, ông Hiện đặt vấn đề.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiện, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được tiêu chí lựa chọn những công trình nêu trên và có bao nhiêu dự án cần bổ sung để Quốc hội xem xét.

Có quá nhiều công trình dở dang, lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn, đất nước thiếu vốn nên phải phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để huy động, bổ sung nguồn vốn đầu tư. Nhưng cách phân bổ như hiện nay vừa dàn trải, không tập trung, dẫn đến dự án kéo dài, dang dở.

Ông Uông Chu Lưu nêu dự án Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang, do việc cấp vốn nhỏ giọt từng năm nên không biết đến bao giờ đưa vào khai thác dù đã thực hiện 5-6 năm nay. Hay như dự án mở rộng Quốc lộ 1A, do thiếu vốn, thực hiện chậm, nguyên vật liệu ngổn ngang, khi trời mưa rất dễ gây tai nạn, thất thoát. Một công trình giao thông huyết mạch quốc gia sao lại để như vậy?

“Lẽ ra vốn TPCP phải tập trung cho công trình lớn, có lộ trình cụ thể, thì hiện tại đầu tư quá dàn trải, kém hiệu quả. Cũng với số tiền đó, thay vì đầu tư gần 20 công trình, tại sao không tập trung vào 10 công trình để dự án hoàn thành đúng kế hoạch? Chúng ta cần phải thay đổi tư duy đầu tư”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Tương tự, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, 19 dự án được Chính phủ trình ra đều xứng đáng đầu tư, có dự án cần làm ngay. Nhưng trên cả nước còn rất nhiều công trình cần đầu tư mà tầm quan trọng không kém.

Ông Ksor Phước nêu một thực tế, nhiều khu vực bị sạt lở, nếu không có sự đầu tư lớn, nhiều người sẽ mất nhà, mất đất, mất tư liệu sản xuất và thậm chí mất luôn cả những trục đường giao thông. Do đó, những nơi này cần được xem xét đầu tư ngay.

“Chưa có đường nhựa nhưng đi được đường đất thì cứ đi, quan trọng là giữ lại những nền đường đang có nguy cơ mất”, ông Ksor Phước bày tỏ.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=261
Quay lên trên