Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye

Cập nhật: 13-10-2015 | 18:13:43

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 13-10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

Báo cáo của Chính phủ về việc gia nhập Công ước La Haye về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại nêu rõ Công ước Tống đạt là điều ước quốc tế đa phương do Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 15-11-1965, có hiệu lực từ ngày 10-2-1969. Hiện nay, có 68 quốc gia tham gia là thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau.

Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, ​Kuwait … đã là thành viên của Công ước. Công ước hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo rằng người được tống đạt có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.

Công ước áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trường hợp không biết được địa chỉ của người được tống đạt.

Công ước có 31 điều và 1 Phụ lục bao gồm các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Nội dung của Công ước tập trung quy định 2 vấn đề chính là: thủ tục tống đạt giấy tờ và bảo vệ bị đơn trước hoặc sau khi bị xét xử vắng mặt trong trường hợp giấy triệu tập đã được tống đạt theo quy định.

Chính phủ cho rằng việc Việt Nam gia nhập Công ước Tống đạt một mặt thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mặt khác thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề tư pháp quốc tế. Về kinh tế-xã hội, việc gia nhập Công ước Tống đạt sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại và qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam thông qua việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Chính phủ cũng chỉ rõ những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi gia nhập Công ước Tống đạt. Về pháp luật, có thể cần bổ sung một số quy định của pháp luật Việt Nam ở cấp độ thông tư để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Công ước.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng Công ước, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự cũng cần quy định rõ hơn các kênh tống đạt và các quy định về xử lý kết quả tống đạt ra nước ngoài tại Tòa án. Về nhân lực, cần có sự đầu tư, tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp và đẩy mạnh sự phối hợp giữa Cơ quan Trung ương với các cơ quan tư pháp địa phương để đảm bảo thực hiện tốt Công ước Tống đạt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước này. Các quy định của Công ước La Haye phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18, Điều 48; đảm bảo quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 103; thể hiện đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013.

Các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc cần tiến hành sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trong thời gian tới như Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực thi Công ước và phát huy quyền của quốc gia thành viên Công ước. Công ước đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm chỉ định chính thức Cơ quan Trung ương theo kênh tống đạt chính.

Hiện nay theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, việc ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ gửi qua Cơ quan Trung ương là Bộ Tư pháp và thông lệ ở các nước thành viên Công ước Lay Haye cũng chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương. Vì vậy, các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ đó là chỉ định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Công ước, Bộ Tư pháp cần xây dựng cơ chế chi tiết trong việc phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát và Bộ Ngoại giao trong công tác tống đạt.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=438
Quay lên trên