Tích cực chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Thứ sáu, ngày 09/03/2012

Trong hai tháng đầu năm 2012, cả nước có gần 8.000 người mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 60 tỉnh, thành, 9 người đã tử vong, tăng 7,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi và đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng cả số mắc và tử vong.  Khi trẻ có biểu hiện nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân, lở loét ở miệng thì nên đưa ngay đến bác sĩ thăm khám

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 170 trường hợp mắc bệnh TCM và không có trường hợp nào tử vong. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngành y tế đã có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh.

Bệnh TCM chủ yếu mắc và lây lan ở trẻ em, cho nên việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường đặc biệt là ở các trường học phải được quan tâm và thực hiện triệt để. Cho đến nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.

Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễn và vắcxin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng. Khả năng lây truyền cao nhất trong vòng 1 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, tuy nhiên người ta thấy virus vẫn được đào thải qua phân nhiều tuần sau đó. Người ta tìm thấy virus tồn tại trong nước, đất, rau. Người cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.

Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và rất dễ lây. TCM khởi phát những ngày đầu trẻ sẽ có những biểu hiện như nổi bóng nước ở những vị trí như lòng bàn tay, gối, mông... hay vết loét ở miệng. Bệnh này thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, vì thế nên việc phòng bệnh phải hết sức lưu ý với trẻ sinh hoạt chung môi trường nhà trẻ, mẫu giáo.

Trước nguy cơ dịch TCM có thể tăng mạnh vào thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thị chủ động phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn cho mạng lưới giám sát dịch, chống dịch, in và cấp tờ rơi tuyên truyền, sẵn sàng hóa chất diệt khuẩn, thuốc men, máy móc phòng chống dịch. Trung tâm cũng đã tập huấn cho mạng lưới vệ sinh học đường về công tác phòng chống dịch, trong đó chú trọng đến toàn bộ khối nhà trẻ, mẫu giáo với tinh thần khẩn trương, ráo riết phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em mình, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối để cách ly và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ để hạn chế lây nhiễm bệnh từ trẻ.

Bệnh TCM chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các bọng nước hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân dính trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà... Vì thế, bên cạnh công tác phòng chống dịch của ngành y tế thì người dân cần tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

T.Phương