Tích cực, chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 07-03-2020 | 08:19:05

Hiện dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch cúm vừa nêu, chính quyền, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung công tác phòng, chống.


Ngành chức năng phun xịt tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm

Không lơ là, chủ quan

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1-2020 đến nay, cả nước đã xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó có 29 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng. Tổng số gia cầm chết và bị tiêu hủy lên trên 100.000 con. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, cùng với dịch bệnh Covid-19 trên người đang diễn biến hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch.

Tình hình sản xuất chăn nuôi trong tỉnh những tháng đầu năm tiếp tục ổn định. Hiện, tổng đàn gia cầm hơn 11 triệu con. Tuy nhiên, trong tháng 2 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một trường hợp dương tính với dịch cúm gia cầm H5N1. Trường hợp này ở hộ chăn nuôi thuộc xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, với quy mô 3.700 con gà, vịt. Ông Huỳnh Lê Khang, Trưởng trạm Thú y huyện Dầu Tiếng, cho biết ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gà, vịt nói trên theo quy định, đồng thời, trạm đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên để tránh dịch bệnh lây lan.

Tăng cường phòng chống

Do hiện nay thời tiết biến đổi bất thường, tổng đàn vật nuôi lớn, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật khó kiểm soát, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan và phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Thú y huyện Phú Giáo, cho biết trạm đã triển khai kế hoạch tăng cường tiêm phòng gia cầm, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đồng thời chủ động lập dự trù kinh phí để bảo đảm ứng phó dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, trạm tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn huyện, đặc biệt là các điểm nhỏ lẻ, kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, ngành thú y Bình Dương cũng đã tập trung triển khai việc tiêm vắc xin phòng dịch cho gia cầm. Trong đó, đợt 1 sẽ được tiêm từ tháng 3-2020 và đợt 2 sẽ được tiêm từ tháng 9-2020. Sau mỗi đợt tiêm, trạm thú y các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động rà soát để tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm phát sinh mới hoặc chưa được tiêm trong đợt tiêm phòng chính, hoặc hết thời gian miễn dịch.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết trong thời gian qua công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức được dịch bệnh, bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh, đồng thời, khuyến cáo các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, để công tác phòng, chống dịch bệnh được bảo đảm, ngành thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi, giết mổ gia cầm cũng cần thực hiện nghiêm túc các bước vệ sinh, tiêu độc khử trùng cũng như triển khai tiêm phòng theo quy định. Riêng người dân không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và cần chú ý các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 167/TTg- NN ngày 5-2-2020 về chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người; Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 3-2-2020 của Bộ NN&PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, UBND tỉnh ban hành văn bản số 493/UBND-KT ngày 10-2- 2020 về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A trên gia cầm và ở người. Theo đó, yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản thực hiện các nội dung: khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm; rà soát nắm bắt tình hình chăn nuôi, đặc biệt đối với các trại, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học; tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đội kiểm tra kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh và phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm; chỉ đạo các trạm thú y thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi gia cần thường xuyên thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên