Tích cực chuẩn bị cho năm học mới: Các trường cơ bản sẵn sàng chào đón học sinh

Cập nhật: 09-08-2022 | 09:12:54

Trong những ngày vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngành giáo dục các cấp đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện như bổ sung cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ giáo viên… để sẵn sàng bắt đầu năm học mới với khí thế vui tươi và đạt thành tích cao. Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.

 Phụ huynh và học sinh các địa phương hoàn tất nộp hồ sơ nhập học vào các trường

 Chuẩn bị tốt các điều kiện

Nhằm bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp cho năm học mới, ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo ngành giáo dục các cấp bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Theo đó, các trường học đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, kịp thời sửa chữa, khắc phục và xử lý các hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn.

Năm học 2022-2023, huyện Bắc Tân Uyên có 27 trường và 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập với 467 nhóm lớp/15.284 học sinh. So với năm học 2021-2022, năm nay trên địa bàn huyện tăng 1 trường và 34 nhóm lớp với 1.226 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát, thẩm định đối với những trường có nhu cầu tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sắp xếp lại quy mô trường lớp. Huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mới và sửa chữa các trường mầm non, TH, THCS với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện cũng đã đăng ký mua sắm tập trung các bộ bàn ghế học sinh, trang thiết bị phục vụ cho năm học với số tiền 824 triệu đồng.

Còn đối với huyện Dầu Tiếng, dự kiến năm học 2022- 2023 toàn huyện sẽ tăng thêm trên 350 học sinh. Trong năm học 2022-2023, huyện cũng sẽ đưa vào sử dụng trường TH Minh Tân, mở rộng các trường TH Long Hòa, TH Long Tân, TH Thanh Tuyền với kinh phí gần 198 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh trên địa bàn.

Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học mới, ngành GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường. Các địa phương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, như: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường đầu tư thiết bị giáo dục; quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được ngành GD-ĐT triển khai theo đúng kế hoạch và dưới nhiều hình thức khác nhau cả trực tiếp và trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo trước năm học mới.

Kiện toàn đội ngũ giáo viên

Năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT đã tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hợp đồng ngắn hạn giáo viên và nhân viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế, đáp ứng kịp thời công tác giảng dạy ở các cấp học. Tuy nhiên, cấp học TH, THCS vẫn còn thiếu nhiều giáo viên. Năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT đã thực hiện hợp đồng 958 giáo viên, nhân viên, trong đó có 742 giáo viên.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 30-7-2022, toàn ngành GD-ĐT có 731 trường, trung tâm với 476.620 học sinh, học viên (tăng 12 trường so với cùng kỳ năm học trước). Trong đó, số trường, trung tâm công lập là 392, chiếm tỷ lệ 53,62%; trường ngoài công lập là 339, chiếm tỷ lệ 46,38%. Tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành là 20.044 người.

Dự kiến trong năm học mới này Bình Dương tăng khoảng 25.000 học sinh các cấp và thiếu khoảng 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết nguyên nhân thiếu giáo viên do biến động dân cư, người dân ở các tỉnh đến Bình Dương sinh sống và làm việc ngày càng nhiều. Mặt khác, việc ngành tuyển không đủ chỉ tiêu trong năm học 2021-2022 (504 viên chức/1.002 chỉ tiêu, đạt 50,29%) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên của ngành.

Để chuẩn bị tốt cho năm học 2022-2023, căn cứ nhu cầu thực tế năm học 2022-2023 và biên chế được giao, các địa phương đang tăng tốc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên cho ngành giáo dục. Theo đó, TP.Thuận An đang tuyển dụng 225 chỉ tiêu, huyện Bắc Tân Uyên cần bổ sung 103 chỉ tiêu, huyện Dầu Tiếng tuyển dụng 107 chỉ tiêu, TP.Thủ Dầu Một tuyển dụng 177 chỉ tiêu, TX.Bến Cát tuyển 87 chỉ tiêu… Hiện nay, các huyện thị, thành phố đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xét tuyển để hoàn thành trong tháng 8.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023 tương đối tốt và bảo đảm đầy đủ các điều kiện. Ngành GD-ĐT các cấp đã và đang đẩy nhanh tiến độ công tác tuyển sinh đầu cấp, tuyển dụng giáo viên, chuẩn bị sách giáo khoa, tu sửa trường lớp, các phòng học, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và giảng dạy, sẵn sàng đón học sinh tới trường”, bà nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết thêm.

 Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ tổ chức vào ngày 5-9, học sinh các cấp tựu trường sớm nhất trước đó 1 tuần (29-8). Riêng đối với học sinh lớp 1, Bộ GD-ĐT cho phép tựu trường sớm nhất là trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng (22-8).

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1354
Quay lên trên
X