Ngày 13-6, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam - Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững”. Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và những nông dân trồng lúa giỏi cùng tham gia bàn thảo hướng phát triển lúa gạo bền vững.
Nông dân thu hoạch lúa tại An Giang.
Khẳng định thế mạnh
Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An… đã và đang triển khai tích cực mô hình cánh đồng mẫu lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp như Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty GenTraco, Công ty ADC, Công ty Cỏ May… tham gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định lúa là cây quan trọng nhất của Việt Nam, diện tích đất lúa chiếm 44% đất nông nghiệp, 80% nông dân là những người trồng lúa; 100% người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ người thu nhập thấp đến thu nhập cao cũng đều ăn gạo hàng ngày. Chính vì tầm quan trọng trên, thời gian qua Chính phủ luôn xem lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp nông thôn, từ đó có những chính sách đầu tư đáng kể cho lúa gạo.
Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, 20 năm qua nền sản xuất lúa gạo đã có những thành tựu rất ấn tượng. Dấu mốc lịch sử là năm 1989, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã lần đầu tiên xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Điều khá thú vị là diện tích đất lúa năm 2010 giảm đến 380.000ha so với năm 2000, nhưng sản lượng vẫn tăng mạnh nhờ năng suất nhảy vọt từ 3,18 tấn/ha (bình quân cả nước năm 1990) lên 5,3 tấn/ha năm 2010. Với thành công đó, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất, trong đó có khoảng nửa triệu ha đạt từ 7 tấn/ha trở lên vụ đông-xuân.
Ông Steven Jaffee, chuyên gia WB cho rằng, những năm qua Việt Nam làm rất tốt vấn đề an ninh lương thực và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Khi đi thực tế một số vùng ở ĐBSCL ông thấy trình độ canh tác của nông dân rất giỏi. Các huyện Hòn Đất, Giồng Riềng, Tân Hiệp (Kiên Giang); Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang); Tháp Mười, Tam Nông (Đồng Tháp); Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ)… đóng góp sản lượng lúa rất lớn cho cả nước.
Sản xuất lớn
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đặt vấn đề, thành công về lúa gạo của Việt Nam là niềm mơ ước của nhiều nước, nhưng trước giai đoạn mới, sản xuất lúa gạo và xuất khẩu phải thay đổi. Trong đó, chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo, nâng cao chuỗi giá trị… là những việc cần làm ngay.
Theo phân tích của WB, dù Việt Nam xuất khẩu gạo khá nhiều về số lượng nhưng giá trị thu về thấp, do đa phần là xuất gạo chất lượng chưa cao, không có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý và rất ít doanh nghiệp cung ứng cho các phân khúc thị trường chất lượng cao. Ngoài ra, thiếu sự liên kết, sản xuất và xuất khẩu lâu nay ở các tỉnh vẫn mạnh ai nấy làm. Thế nên trên thực tế, các vùng chuyên canh lúa lại là những nơi kém phát triển, đời sống người dân còn khó khăn.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng thừa nhận, nếu như lâu nay khâu tiêu thụ lúa và xuất khẩu gạo được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn; lợi ích giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu được chia sẻ công bằng hơn; doanh nghiệp chịu gắn kết cùng nông dân tạo dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao và làm thương hiệu; việc chuyển đổi đất lúa màu mỡ được xem xét cẩn trọng hơn… thì đời sống của nông dân trồng lúa đã cải thiện rất nhiều.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: Hướng đi nhiều triển vọng đang được thực hiện là việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn rất hiệu quả. Nông dân tham gia mô hình này được hưởng nhiều lợi ích như: giống tốt, dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp… Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì có nguồn nguyên liệu ổn định. Mô hình cánh đồng mẫu lớn từng bước dịch vụ hóa nhiều khâu như giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ, xuất khẩu… vừa góp phần hạn chế thất thoát sau thu hoạch, làm giảm chi phí giá thành, tăng được giá trị và chất lượng hạt gạo. Nhờ đó mà lợi nhuận thu về cao hơn so với sản xuất thông thường. Trong đó, mô hình của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng 1.200ha ở An Giang cho năng suất 8,5 - 12 tấn/ha, nông dân lãi 25 - 34 triệu đồng/ha.
Bộ NN-PTNT khẳng định, mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho hạt gạo. Dự kiến năm 2012, tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn sẽ được nâng lên từ 20.000 - 40.000ha; năm 2013 từ 50.000 - 80.000ha.
Theo SGGP