“Tiếng gọi mạch nguồn”: Khúc tráng ca tái hiện hình ảnh đất và người Bình Dương

Cập nhật: 03-10-2024 | 10:14:17

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi cùng gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2), Bình Dương đã để lại ấn tượng với chương trình mở màn có tên “Tiếng gọi mạch nguồn”.


Tiết mục “Bình Dương ngày mới” do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương biểu diễn

Sau lễ khai mạc, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương là đơn vị đầu tiên tham gia liên hoan với 12 tiết mục có chủ đề chung “Tiếng gọi mạch nguồn”. Các tiết mục được chia thành 2 phần: Phần 1 tái hiện “Mạch nguồn” xây dựng và phát triển Bình Dương từ thời khai hoang với 6 tiết mục. Phần 2 gồm 6 tiết mục thể hiện “Nhịp sống” của đất và người Bình Dương trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Được dàn dựng công phu và phối hợp nhiều loại hình nghệ thuật cũng như sự đa dạng về hòa âm, phối khí từ những nhạc cụ dân gian đến hiện đại, chương trình đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc về một Bình Dương xưa và nay.

Bên cạnh những tiết mục thể hiện niềm tự hào về quá khứ oai hùng với những tên đất, tên người làm nên lịch sử qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chương trình do Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn còn mang đến cho khán giả những nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương như: Phái võ Tân Khánh - Bà Trà, múa hẩu và những hình ảnh đẹp về một Bình Dương năng động trong cuộc sống hội nhập, vươn mình ra thế giới.


Tiết mục “Khúc tráng ca Sông Bé” do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương biểu diễn

Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước. Các đoàn sẽ thi diễn từ ngày 29-9 đến ngày 13-10-2024 (vào cửa tự do). Ban tổ chức sẽ tiến hành lễ bế mạc, công diễn các tiết mục xuất sắc và trao giải vào tối 15-10-2024.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương, cho biết với mong muốn mang đến liên hoan những “đặc sản” của địa phương để quảng bá hình ảnh đất và người Bình Dương, đơn vị đã được lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình có ý nghĩa và đặc sắc. Qua nội dung nhằm khẳng định thành tựu của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo của cộng đồng 24 dân tộc trên quê hương qua các thời kỳ lịch sử. Đó chính là “mạch nguồn”, là sức mạnh, là hành trang quan trọng để Bình Dương cất cánh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Có mặt theo dõi từ đầu các tiết mục, bà Trần Thanh Phượng (ngụ tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) nói chương trình “Tiếng gọi mạch nguồn” của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương rất đặc sắc với những “Khúc tráng ca Sông Bé” đầy oai hùng, “Khí phách Tân Khánh” được nghệ thuật hóa thành vũ điệu càng tôn lên những đường quyền vừa uyển chuyển, vừa góp phần làm nên những thắng lợi trong những trận đánh của quân và dân Bình Dương.

Trong khi đó, bạn Trần Minh Định, sinh viên ngành Quản lý nhà nước trường Luật - Quản lý phát triển, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng qua các tiết mục trong chương trình đã giúp bạn khám phá thêm nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống ở Bình Dương.

Nhiều tiết mục đặc sắc

Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum mang đến liên hoan chuỗi 12 tiết mục đặc sắc tự hào về truyền thống quê hương. Trong khi đó đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang thi diễn với chương trình mang tên “Hà Giang, miền đá gọi”. Thông qua chương trình, khán giả có dịp thưởng thức nhiều điệu múa và ca khúc của đồng bào dân tộc miền núi ở Hà Giang. Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế mang đến liên hoan chương trình mang tên “Âm sắc miền Hương Ngự”, với 11 tiết mục…

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=45
Quay lên trên