Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), 50 năm qua, vaccine đã góp phần cứu sống 154 triệu người, tương đương trung bình 6 người/phút, trong số đó có rất nhiều trẻ nhỏ.
Để phòng bệnh phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiêm vaccine đúng lịch và đủ mũi.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam. Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ, trẻ em Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ mắc bệnh và tử vong.
Những thành tựu của chiến dịch tiêm chủng mở rộng
Từ khi Việt Nam triển khai mạng lưới tiêm chủng mở rộng vào năm 1981 và tiếp cận tất cả các xã trên cả nước, hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, như: bại liệt, sởi, uốn ván, bạch hầu...
Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã được ban hành, như Nghị quyết số 20-NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ... thể hiện sự ưu tiên trong công tác tiêm chủng. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng dựa vào việc cung cấp vaccine miễn phí.
Tại Việt Nam, hiện có 11 bệnh truyền nhiễm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, Rubella, Rota được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Kết quả, chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật, là công cụ giúp kiểm soát tình hình dịch tễ hiệu quả, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh. Một người được tiêm chủng vaccine đầy đủ còn hình thành hiệu ứng miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức lý tưởng, cung cấp giá trị bảo vệ cho cả cộng động, kể cả những người yếu thế không đủ điều kiện về sức khỏe để tiêm ngừa vaccine. Nhờ có chương trình tiêm chủng, áp lực lên hệ thống y tế được giảm tải, hỗ trợ tích cực cho quá trình kiểm soát, loại trừ, thanh toán các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc, điều trị y tế cho những trường hợp chẳng may mắc bệnh.
Dịch bệnh được báo trước từ "khoảng trống" của vaccine
Dù có những kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường; đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan, bùng phát. Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang đón năm học mới, học sinh các cấp quay trở lại trường học, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, từ năm 2021, hàng trăm nghìn trẻ em tại Việt Nam không được tiêm chủng do những gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine. Kết quả, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm mạnh chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như: bạch hầu, ho gà, cùng với lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tháng gần đây, dịch sởi đã bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành với hơn 2.000 ca mắc và tử vong. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 600 ca mắc sởi và 3 ca tử vong, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dịch sởi có thể bùng phát mạnh khi học sinh quay trở lại trường trong tháng 9, với nguy cơ lây nhiễm cao gấp 18 lần so với bình thường. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người xung quanh nếu họ chưa được tiêm phòng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức lo ngại.
Từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, Bộ Y tế đã tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ đối với 11 bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, Rubella và Rota.
Trước thềm năm học mới, Bộ Y tế đã phát động tuần lễ tiêm chủng. Cùng đó, Bộ ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024, với đối tượng độ tuổi được mở rộng. Trước đây, trong chương trình chỉ tiêm chủng chỉ tiêm cho trẻ 9-18 tháng và tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm đủ, thì trong chiến dịch lần này mở rộng đối tượng từ 1-10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine sởi.
"Chúng tôi đánh giá nguy cơ của 63 tỉnh, thành phố và thấy rằng, dựa trên bộ công cụ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp, hiện tại có 18 tỉnh, thành phố với hơn 100 huyện nằm trong nguy cơ sẽ được tiêm trong chiến dịch đợt 1 này. Toàn bộ hơn 1 triệu liều vaccine tiêm trong chiến dịch này là miễn phí" - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức chia sẻ.
Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Song song với đó, các địa phương cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi - Rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.
Giữ vững thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng
Để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể đã có sự quan tâm song cần chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng của địa phương, trong đó ưu tiên kinh phí cho triển khai tiêm chủng mở rộng, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu...
Mới đây, tại Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 của Bộ Y tế là hơn 424,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua 11 loại vaccine năm 2024 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2025 là hơn 423 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung theo tờ trình của Chính phủ đồng thời đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc bố trí kinh phí mua vaccine theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm tính hợp lý để triển khai nhiệm vụ tiêm chủng theo kế hoạch đã đề ra.
Theo Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ, 4 loại vaccine quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2021-2030 gồm: vaccine phòng bệnh do virus Rota; vaccine phòng bệnh do phế cầu (PCV) dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thí điểm tại 5 tỉnh,thành phố trong năm 2025 và mở rộng triển khai ở các tỉnh thành phố vào năm 2030; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung (HPV) dự kiến bắt đầu triển khai năm 2026 miễn phí cho trẻ em gái độ tuổi 11; vaccine phòng bệnh cúm mùa (Influenza) dự kiến triển khai từ năm 2030 tại 20 tỉnh,thành phố. Riêng đối với vaccine HPV, hiện tại, Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vaccine Gardasil 9 ngừa HPV cho người 27-45 tuổi, áp dụng từ ngày 10/5. Việc bổ sung thêm 4 loại vaccine mới sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những thành tựu đạt được trong hơn 40 năm qua, là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chương trình này. Để duy trì, phát huy những kết quả đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đối phó với các nguy cơ dịch bệnh mới xuất hiện và đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với các loại vaccine thiết yếu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, ngành y tế và cộng đồng sẽ là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cho các thế hệ tương lai.
Theo TTXVN