Dược sĩ Nguyễn Thị Giang Nhung, phụ trách khoa truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virút VNNB B gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Đối tượng thường mắc phải là trẻ em dưới 15 tuổi với tỷ lệ trên 90%, trong đó đa số là trẻ từ 1 - 5 tuổi.
Các loài chim hoang dã và heo là vật chủ yếu chứa vi rút gây bệnh. Muỗi là vật trung gian hút máu của những động vật nhiễm vi rút rồi truyền sang người qua vết đốt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39 - 40 độ C, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cha mẹ cần phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nay, bệnh VNNB vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Để phòng bệnh, mỗi người dân trong cộng đồng cần: Thực hiện vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, sạch sẽ. Chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch...
Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc xin VNNB đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Hiện nay, vắc xin đã triển khai rộng rãi trên cả nước và hoàn toàn miễn phí. Vì sức khỏe của con trẻ, các bậc cha mẹ nên đưa con em mình đi tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB đầy đủ, đúng lịch: Mũi 1: tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2, tiêm sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3, tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 - 4 năm nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
CẨM LÝ (ghi)