Chính sách đền bù tốt
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh ra nhiều quy định quan trọng phục vụ cho công tác di dời. Những quy định cụ thể về tiêu chí di dời, hỗ trợ khi di dời... tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi.
Các ngành chức năng kiểm tra một doanh nghiệp vi phạm về môi trường ở KCN Đồng An
UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND vào ngày 31-5-2010 với nhiều quy định tạo hành lang thông thoáng cho việc di dời. Về tiền thuê đất sau di dời, các cơ sở khi đến các địa điểm mới sẽ được hỗ trợ 150.000 đồng/m2 nhà xưởng. Cơ sở cũng được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay từ nguồn chi ngân sách Nhà nước, thời gian 3 năm kể từ ngày công trình mới được đưa vào sử dụng. Theo quy định này, cơ sở khi bị tạm ngừng sản xuất sẽ được hỗ trợ 3 tháng lương cho người lao động đang làm việc, khi đào tạo lại đội ngũ lao động hoặc tuyển dụng mới. Các cơ sở đang phải thuê nhà xưởng để sản xuất sẽ được hỗ trợ theo diện tích nhà xưởng đang thuê tại địa điểm cũ là 100.000 đồng/m2 nhưng không quá 200 triệu đồng... Các quy định này được xem là phù hợp và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Nhưng vẫn chậm!
Theo số liệu các huyện, thị đề xuất năm 2009, Bình Dương có đến 500 cơ sở sản xuất gây ONMT nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh. Sau khi điều tra, sàng lọc và chọn lựa, Sở TN-MT vừa công bố có 100 cơ sở sản xuất công nghiệp, có đặc trưng gây ONMT cao, không phù hợp với các quy định về sản xuất của địa phương. Từ các kết quả đo đạc và căn cứ tiêu chí di dời đã ban hành, Sở TN-MT đã đối chiếu kết quả kiểm tra, tình hình khiếu nại, khiếu kiện đối với từng doanh nghiệp và điều kiện KT-XH từng địa phương. Đầu tháng 5-2011, Sở TN-MT đã đề xuất UBND tỉnh danh sách 17 cơ sở sản xuất cần di dời trong đợt 1. Dự kiến, công tác di dời sẽ hoàn thành đợt 1 vào ngày 31-12-2012. Trong khi đó, danh sách của đợt 2 sẽ mãi đến tháng 12-2011 mới được công bố, việc hoàn thành công tác di dời phải đến hết ngày 31-12-2013. Như vậy là quá chậm so với những tác động ONMT mà người dân trong các khu dân cư tập trung đang phải hứng chịu từng ngày, từng giờ (!).
Trong thời gian qua, việc thực hiện công tác di dời được người dân đồng tình và đại đa số DN ủng hộ. Tuy nhiên, việc di dời cũng khiến các chủ DN băn khoăn. Bởi, các DN đều có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó tìm được diện tích phù hợp để tái đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Thực tế, kinh nghiệm từ công tác di dời các cơ sở ô nhiễm ở TP.HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác thì mặt bằng, diện tích đất vẫn là một trong những lý do chính mà DN vịn vào để chậm trễ trong công tác di dời. Chính vì thế, rất cần sự đồng thuận và tham gia hỗ trợ của Ban Quản lý các khu công nghiệp trong việc bố trí quỹ đất phù hợp. Về lâu dài, Sở Công Thương cũng sẽ bắt tay phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu thành lập các cụm công nghiệp vừa và nhỏ thu hút các cơ sở ô nhiễm vào làm việc.
KHÁNH VINH