Tiền gửi tại ngân hàng: Cần bảo mật cao hơn

Cập nhật: 30-09-2016 | 09:47:48

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ mất tiền trong tài khoản ở các ngân hàng trong nước. Dư luận đang rất lo lắng về tính bảo mật, an toàn tiền gửi và công tác quản trị tại các ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại MB - Chi nhánh Nam Bình Dương (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: T.HỒNG

Đầu tư cho hệ thống bảo mật còn khiêm tốn

Quy chuẩn của các ngân hàng trên thế giới có 4 mức độ quản lý rửa tiền. Mức 1 là thấp nhất và mức 4 là cao nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá, các ngân hàng của Việt Nam mức độ rửa tiền ở mức 4, tức mức cao nhất. Nội dung đánh giá về quy trình, kiểm soát rủi ro, bảo mật của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm trong nhóm ngân hàng còn xa với thế giới và chuẩn mực quốc tế.

Những năm qua, các ngân hàng thương mại trong nước đã có nhiều nỗ lực đầu tư vào hệ thống bảo mật, đặc biệt là đầu tư cho công nghệ thông tin và cập nhật xu hướng công nghệ mới. Tuy vậy, tổng mức đầu tư cho công nghệ của các ngân hàng chỉ chiếm 5% trên tổng danh mục đầu tư. Thống kê cho thấy, tổng mức đầu tư cho hệ thống công nghệ ngân hàng Việt Nam năm 2015 chỉ ở mức 2.550 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Singapore, họ đã bỏ ra hơn 200 triệu USD để nâng cấp hệ thống bảo mật ngân hàng. Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7-2016, số lượng thẻ phát hành của các ngân hàng trong cả nước đạt trên 107 triệu thẻ, tăng 3,48 lần so với cuối năm 2010. Số lượng thẻ lớn, nguy cơ mất an toàn hệ thống thẻ cũng gia tăng khiến việc bảo mật ngày một phức tạp và áp lực hơn. Tiến sĩ Phan Văn Thường, giảng viên khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, khe hở trong bảo mật ngân hàng có thể do ngân hàng làm đúng nhưng nhân viên làm sai. Tuy vậy, nhân viên sai thì ngân hàng đó cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Thời gian qua, có nhiều vụ mất tiền tương tự, nhưng quan trọng là chủ tài khoản phải nắm được những nguyên tắc nhất định. Muốn vậy, các ngân hàng phải marketing tốt. Cụ thể, khi khách hàng mở tài khoản thì phải có quy định, có một số lưu ý khách hàng sử dụng tài khoản…

Cần sự phối hợp hiệu quả

Những ngày gần đây lại nổi lên các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không đến từ hệ thống thanh toán, mà liên quan đến con người. Mới nhất là vụ khách hàng của Eximbank - Chi nhánh Nghệ An bị chính nhân viên ngân hàng này rút ruột sổ tiết kiệm tổng cộng hơn 48 tỷ đồng; trong đó người mất ít nhất là 350 triệu đồng, người mất nhiều nhất lên đến 31 tỷ đồng. Một vụ mất tiền khác “đình đám” hơn đã xảy ra ở Ngân hàng Xây dựng liên quan đến nhóm bà Trần Ngọc Bích. Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền chuyển 5.190 tỷ đồng khỏi tài khoản của bà Bích… Các vụ việc nói trên đang còn chờ cơ quan chức năng kết luận lỗi thuộc về ai và trách nhiệm như thế nào. Điều đáng nói là từ trước đến nay, các ngân hàng luôn nỗ lực ngăn chặn những kẻ gian từ ngoài vào, nhưng ít ai ngờ rằng những kẻ gian lại từ trong nội bộ ngân hàng của mình. Điều đó cho thấy, các ngân hàng cũng có trách nhiệm trong việc quản trị gây thất thoát tiền của khách hàng. Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, NHNN đã có công văn chỉ đạo về việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình; đồng thời triển khai giải pháp phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch... Khi có các rủi ro, gian lận xảy ra, khách hàng, ngân hàng phải báo cáo NHNN và ngân hàng phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng.

 

 THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=422
Quay lên trên