“Vua tăng 390” là biểu tượng cho chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trưa 30-4-1975, cánh cổng sắt lớn của dinh Độc Lập đã bị chiếc xe tăng này húc đổ. Chiếc xe tăng 390 gồm có lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (trung sĩ), phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng (thiếu úy, lên thay pháo thủ số 2 bị thương) và ông Vũ Đăng Toàn là trung úy, chính trị viên đại đội. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đoàn xe trên đã khởi hành từ Đà Nẵng vào sáng 10-4-1975.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4 (ảnh tư liệu)
Ngày 26-4, toàn bộ lực lượng bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30-4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng.
Ông Vũ Đăng Toàn, nguyên chính trị viên Đại đội tăng 4 ngày ấy nhớ lại, lúc đó có 7 xe, Ban chỉ huy đại đội gồm 3 người là trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843; thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và ông là chính trị viên, trưởng xe 390. Sau khi hội ý, Ban chỉ huy quyết định không thể chậm trễ, phải xốc lại đội hình, tổ chức đại đội tiến vào bên trong.
Trước khi hành quân, Đại đội 4 cùng đơn vị bạn đã dùng một số đạn pháo bắn sang bên kia để uy hiếp tinh thần và tiêu diệt địch. Bắn mấy loạt pháo thì địch tháo chạy, quân giải phóng tiến lên. Xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng dẫn đầu, đến xe 390 rồi xe anh Thận, lần lượt đi. Đến ngã tư Hàng Xanh xe 390 bắn pháo tiêu diệt 2 xe thiết giáp M113 của địch sau đó rẽ trái, tiến về hướng dinh Độc Lập.
Đến cầu Thị Nghè thì xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị địch bắn, ông và các chiến sĩ bị thương, một lính bộ binh hy sinh. Nhờ nhân dân đưa đồng đội đến bệnh viện, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về chiếm dinh Độc Lập. Khi đến gần dinh thì xe ông đi chậm lại, xe 843 vượt lên. Đến cổng trái, xe 843 lại dừng lại, tắt máy. Ngay lập tức lái xe 390 nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân…
- Một diễn biến khác, ngày 10-4-1975, phân đội tàu gồm 3 chiếc của Đoàn 125 từ Hải Phòng cấp tốc hành quân vào Đà Nẵng để tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa.
Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc đánh chiếm Trường Sa là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta, như chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh đã xác định.
Lực lượng đánh chiếm quần đảo Trường Sa gồm Đội 1 - Đoàn 126 đặc công từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 - Quân khu 5. Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng, có nhiệm vụ chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Những con tàu “không số” này đã từng qua lại khu vực quần đảo Trường Sa, quen đường, có kinh nghiệm tránh đá ngầm.
Theo phương án tác chiến, mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và phương châm tác chiến là bí mật, bất ngờ tiến công. Thời cơ đánh chiếm đảo được xác định là từ 0 đến 2 giờ sáng là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.
Cùng thời gian này, Đội 1 Đoàn 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ ở bán đảo Sơn Trà cũng được lệnh bàn giao cho Quân khu 5 để cùng bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 417 Quân khu 5 rời quân cảng Đà Nẵng, hành quân ra đảo. Mặc dù Song Tử Tây ở giữa biển Đông cách xa Đà Nẵng tới 800km nhưng các con tàu của Đoàn 125 đã đưa lực lượng đổ bộ tới đúng mục tiêu, đúng thời gian quy định.
- Tại Bình Dương, từ những ngày đầu tháng 4-1975, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, các địa phương đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để tham gia tổng tấn công giải phóng tỉnh nhà. Lực lượng địa phương đã chuẩn bị sẵn địa bàn, dự trữ lương thực, thực phẩm... Các cấp ủy Đảng và du kích địa phương chuẩn bị phương án phối hợp tác chiến trong những ngày sắp tới.
Ở nhiều nơi như Tân Uyên, Bến Cát… bộ đội địa phương cùng du kích xã đẩy mạnh tiến công vây ép địch không cho chúng bung ra ngoài hoạt động. Trong các xóm ấp, cán bộ ta bám trụ xây dựng cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh, gọi hàng binh lính địch.
Tuy vậy vào thời điểm này, trên toàn tỉnh, lực lượng địch vẫn còn hơn 3 vạn tên gồm lính chủ lực Sư đoàn 5 bộ binh, 1 Lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 Chiến đoàn thiết giáp, 10 Tiểu đoàn bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự với hơn 50 khẩu pháo… được bố trí trên 200 cứ điểm quân sự lớn nhỏ. Địch điều chỉnh lực lượng, hình thành 2 tuyến phòng ngự vừa ngăn chặn vừa chi viện cho nhau. Tuyến ngoài, từ Bến Cát nối liền qua Phú Giáo. Tuyến trong, gồm Tân Uyên, Châu Thành, Lái Thiêu và thị xã. Ngay ngoại ô thị xã, chúng đào hào, xây hầm chống tăng, bố trí mìn bẫy, chướng ngại, hệ thống vật cản dài hàng chục km để đề phòng ta tiến công. Nhưng tình hình chung trên chiến trường lúc này thì mọi cố gắng của địch chỉ là sự phòng ngự bị động trong thế không thể cứu vãn… (còn tiếp)
VĂN HIỆP