Tiến ra biển

Cập nhật: 20-03-2010 | 00:00:00

Trong xu thế “lấy đại dương nuôi đất liền”, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Xây dựng và phát triển thương hiệu biển không chỉ là điều kiện sống còn mà còn là các điểm nhấn của một nước Việt Nam mạnh, giàu từ biển trong tương lai.

Đó là một trong những tuyên bố chung của Diễn đàn thương hiệu biển VN lần thứ II với chủ đề “Từ cảng nước sâu đến khu kinh tế biển” do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại Quảng Ngãi hôm qua.

Phối cảnh cảng Vân Phong, cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam

Lợi thế “mặt tiền” biển

Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã nhận định vai trò to lớn của cảng biển nước sâu gắn với khu kinh tế biển là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều đại biểu cũng nhận định để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu gắn với khu kinh tế biển và các đô thị ven biển, cần tiến hành rà soát quy hoạch dài hạn, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, chú ý xây dựng thương hiệu biển ở tầm quốc gia, quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

 

 Cần phải làm cho cái tên Biển Việt Nam, tên các doanh nghiệp và các sản phẩm liên quan đến biển thành những cái tên lớn, nhanh chóng đi sâu vào tâm thức người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 

Ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ TN-MT

Theo ông Nguyễn Văn Đức - Thứ trưởng Bộ TN-MT, vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong khu vực và thế giới, là con đường hàng hải quốc tế quan trọng, cầu nối thương mại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

PGS-TS Nguyễn Văn Cư - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN - cũng cho rằng toàn bộ lãnh thổ đất liền của VN như “vùng duyên hải” tạo ra một lợi thế “mặt tiền” hướng biển, thuận lợi cho giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế. Với 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền là nhân tố chủ lực sẽ làm nên sức mạnh kinh tế của quốc gia trong tương lai, trong đó tiềm năng tài nguyên biển và các vùng ven biển, cảng nước sâu có ý nghĩa quan trọng, nổi bật là trữ lượng khoảng 3-4 tỉ tấn dầu quy đổi cùng các loại khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, titan, cát thủy tinh, trữ lượng hải sản khoảng 3-4 triệu tấn; dọc bờ biển có trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, trong đó sẽ xây dựng được nhiều cảng trung chuyển quốc tế, các khu nghỉ mát, du lịch cao cấp. Vì vậy, tiến ra biển là xu thế tất yếu của VN - một quốc gia biển.

Ngày 24.12.2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí đầu tư đến năm 2020 khoảng 360.000-440.000 tỉ đồng. Dự kiến, lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại thời điểm 2015 khoảng 500-600 triệu tấn/năm; năm 2020 khoảng 900-1.100 triệu tấn/năm và tăng lên đến 2.100 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2020. Trước mắt, tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa để tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000-15.000 TEU.

VN hiện có 39 cảng biển phân bố tại các vùng miền khác nhau. Từ đặc điểm này, có thể phân định cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo vùng lãnh thổ, gồm 6 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh tới Ninh Bình; nhóm 2 là Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; nhóm 3 là Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; nhóm 4 là Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; nhóm 5 là Đông Nam Bộ và nhóm 6 là ĐBSCL.

Tuy nhiên, kinh tế biển của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sức cạnh tranh cao và chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Hàng chục năm quay lưng ra biển”

 “Một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam biển xứng tầm, chưa chuẩn bị tốt và đồng bộ cho việc xây dựng thương hiệu biển quốc gia, thương hiệu cho các ngành, các sản phẩm biển, các doanh nghiệp biển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nhận định.

PGS-TS Vũ Sĩ Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển đảo - cho rằng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ biển, liên quan đến biển của VN khá nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa có “thương hiệu lớn”. Điều này cũng lý giải vì sao, VN - một đất nước có diện tích vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn 3 lần đất liền nhưng lại chỉ có doanh thu từ biển khoảng hơn 10 tỉ USD, trong khi đó với Hàn Quốc là 33 tỉ USD, Nhật Bản là 486 tỉ USD.

Ông Vũ Sĩ Tuấn dẫn chứng, dù có diện tích lớn gấp 50 lần, dân số gấp 16 lần, có bờ biển dài gấp 40 lần Singapore nhưng VN không có cảng nào có thể so sánh được với cảng Singapore. Số lượng hàng hóa thông qua các cảng của VN tính trên đầu người chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/7 Malaysia, 1/140 Singapore. VN là một quốc gia biển nhưng các sản phẩm về biển lại gần như không có tên trên những thị trường lớn, hải sản xuất khẩu chỉ đạt kim ngạch 3 tỉ USD/năm. Vì thế, đi nhiều nơi trên thế giới, khó tìm được những sản phẩm biển nổi tiếng “Made in Vietnam” bày bán trong các siêu thị.

Nhiều người nước ngoài làm việc tại VN nhưng vẫn nghỉ cuối tuần tại Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) cho dù những bãi biển này không đẹp bằng bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Quốc. “Không phải biển VN không đẹp, vị trí không thuận lợi, không giàu tài nguyên. Điều chủ yếu, biển của chúng ta chưa được quản lý và khai thác cho hiệu quả. Chúng ta mới nhìn ra biển và chợt bùng lên khát vọng về một nền kinh tế biển, sau hàng chục năm quay lưng ra biển”, PGS-TS Vũ Sĩ Tuấn trăn trở.

Lấy đại dương nuôi đất liền

Trong xu thế “lấy đại dương nuôi đất liền”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển VN đến năm 2020 đã xác định một trong những mục tiêu cơ bản là đưa đất nước trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, trong đó kinh tế biển đạt từ 53-55% GDP và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Để phát huy tiềm năng kinh tế biển, tại diễn đàn lần này, các nhà khoa học, nhà quản lý hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến việc phải nhanh chóng thay đổi cơ bản về nhận thức và hành động về việc xây dựng thương hiệu biển VN một cách khoa học và đồng bộ giữa phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường biển và an ninh chủ quyền quốc gia. Xây dựng thương hiệu biển nhất thiết phải luôn gắn liền với thương hiệu quốc gia, mỗi vùng của đất nước. Điều này đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực mà còn cần lòng tự hào, tự trọng, vì một dân tộc VN mạnh, giàu từ biển.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Cư, đã đến lúc thương hiệu biển VN phải được nhận diện rõ hơn về mặt tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về giá trị văn hóa, giá trị kinh tế và có sức thu hút, lôi cuốn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Do vậy các bộ, ngành T.Ư cần đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để giúp các địa phương, doanh nghiệp tạo dựng, phát triển các thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương, các doanh nghiệp cần thực thi có hiệu quả chiến lược phát triển thương hiệu riêng của mình và mỗi người dân phấn đấu trở thành “đại sứ tiếp thị” cho thương hiệu biển VN.

Theo Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có 211 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2.360.000 tấn/năm.

Đến năm 2030, VN sẽ xây xong cảng cá đảo Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) với 70 lượt tàu thuyền ra vào một ngày, và 5.000 tấn thủy sản qua cảng mỗi năm, có thể cho phép tàu có công suất 1.000 CV cập cảng.

Cảng cá đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cũng sẽ được xây xong trước năm 2020 với 90 lượt tàu thuyền qua lại mỗi ngày và công suất dự kiến sẽ có 10.000 tấn thủy sản qua cảng mỗi năm.

(Theo Vietnamnet)

 

Theo Thanh Niên

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên