Tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch cần gắn với giữ gìn bản sắc
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh lĩnh vực kiến trúc, đô thị của Bình Dương, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, TP.Hồ Chí Minh), cho biết Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24-11- 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động quy hoạch.
Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản trước khi xây dựng. Ảnh: P.V
- Xin ông cho biết những hướng quy hoạch mà Bình Dương nên thực hiện trong thời gian tới là gì?
- Đề tài nghiên cứu của tôi và của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân về bản sắc của Bình Dương nói chung, của một số khu vực nội đô và ven sông nói riêng sẽ góp phần quan trọng vào việc bổ sung cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của Bình Dương trong thời gian tới, phù hợp với các yêu cầu mới mà Luật Quy hoạch đặt ra cho công tác quy hoạch và phát triển các đô thị Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng.
Trong đó, công tác quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị được tích hợp chung. Việc lập quy hoạch được yêu cầu phải kèm theo kế hoạch thực hiện quy hoạch theo phân kỳ; quy hoạch được yêu cầu nghiên cứu từ góc nhìn phân tích tổng hợp đa ngành, trong đó yếu tố con người và bản sắc cộng đồng, bản sắc đô thị là các thành phần quan trọng cần xem xét. Chính vì vậy, quy hoạch mang tính khả thi cao hơn và đóng góp thiết thực hơn cho phát triển đô thị.
- Trong đề tài nghiên cứu về Bình Dương vừa được thẩm định, ông đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để đề xuất quy hoạch, một hướng đi mới so với Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết cách tiếp cận này với quy hoạch đô thị Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng?
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành là phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đang được ứng dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về đô thị, đặc biệt là về bản sắc đô thị. Từ nhận định bản sắc đô thị là một chuyên đề đa ngành, phức tạp, đề tài tôi tham gia được phát triển trên cơ sở áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu tổng hợp, trong đó bao gồm các phương pháp nghiên cứu và tiếp cận vấn đề, như: Phương pháp khảo sát thực địa, chủ yếu là tiếp cận và quan sát bằng mắt hiện trạng các khu vực nghiên cứu. Tiếp đó là phương pháp thu thập bản đồ, bản vẽ đã xuất bản từ các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan.
“Trên thực tế, hiếm khi một đô thị chỉ mang một bản sắc duy nhất, mà thường có nhiều bản sắc pha trộn lẫn nhau, trong đó chỉ có một vài bản sắc nổi trội hơn hết. Những đô thị đa bản sắc hàng đầu thế giới như Paris, New York, London… thường được các nhà xây dựng và quản lý đô thị tạo điều kiện cho việc phát triển nhiều khu vực đô thị với bản sắc đa dạng, phục vụ cho nhiều nhóm cộng đồng khác nhau, phù hợp với phong cách sống và làm việc đặc trưng riêng của từng nhóm” (Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn) |
Cùng với đó là phương pháp định lượng, xem xét các trường hợp “bản sắc” rất đáng chú ý và đặc trưng của các khu vực cần nghiên cứu, dựa trên một số đối tượng nghiên cứu như nhà quản lý, lãnh đạo trường đại học, người dân, công nhân, người lao động, sinh viên, du khách… Phương pháp định tính là sau khi thu thập các dữ liệu cần thiết, nhóm nghiên cứu sẽ phỏng vấn sâu, mô tả chi tiết và phân tích các yếu tố có quan hệ mật thiết đến đặc điểm “bản sắc” của các khu vực nghiên cứu. Sau đó sẽ khái quát hóa vấn đề để có thể áp dụng vào việc giải thích cho việc hình thành các cộng đồng. Bên cạnh đó là phương pháp điển cứu, xem xét các kinh nghiệm thành công trong việc tạo lập bản sắc, đồng thời mang tính ứng dụng cao để áp dụng cho Bình Dương…
Theo tinh thần của Luật Quy hoạch, phương pháp nghiên cứu liên ngành là một yêu cầu quan trọng cần được các cơ quan chức năng cùng sử dụng để có thể hợp tác liên ngành một cách hiệu quả nhất trong quá trình lập quy hoạch.
- Thưa tiến sĩ, Giáo sư - Kiến trúc sư Jan Gehl (Đan Mạch) trong cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” ra mắt tại Việt Nam trong tháng 3-2019 đã chỉ ra một vấn đề rằng thành phố có chức năng gì nếu không phải để phục vụ con người? Trong đề tài nghiên cứu của ông về quy hoạch Bình Dương hướng đến từng đối tượng con người cụ thể theo từng phân khu với việc bảo tồn bản sắc Bình Dương, vậy các cơ quan quản lý và thực thi làm sao để hài hòa giữa tiện ích con người với vấn đề bản sắc, cội nguồn khi mà hai vấn đề này có khi không trùng khớp nhau?
- Qua nghiên cứu, chúng tôi xác định: “Bản sắc đô thị là sự tổng hợp một cách hài hòa các giá trị vật thể và giá trị phi vật thể, thông qua 7 yếu tố thành phần là: Con người, thời gian, môi trường, không gian, hạ tầng, hoạt động và quản lý, để đem lại cho đô thị những giá trị đặc sắc, làm cho nó trở nên khác biệt so với những đô thị khác. 7 yếu tố thành phần này mang ý nghĩa sâu xa như 7 nốt nhạc cơ bản Do- Re-Mi-Fa-Sol-La-Si. Tuy đơn giản nhưng tiềm ẩn khả năng vô hạn, thông qua sự sáng tạo của con người mà có thể lập nên vô số “bản nhạc giao hưởng đô thị” với bản sắc phong phú đa dạng khác nhau. Trong đó, con người luôn đóng vai trò trung tâm của bản sắc đô thị.
Khi ứng dụng 7 yếu tố này vào việc nghiên cứu bản sắc đô thị, chúng ta cần có sự nhạy bén và linh động cần thiết. Trong đó, không phải bản sắc đô thị nào cũng cần hội đủ cả 7 yếu tố này hoặc trọng tâm chia đều cho cả 7 yếu tố; có khi chỉ tập trung ở vài yếu tố trọng điểm với tỷ lệ và cách phối hợp nhất định nào đó cũng đủ thể hiện tinh thần bản sắc cơ bản của đô thị đó.
Từ nhận định đó và những nghiên cứu thực tiễn tại Bình Dương, chúng tôi xác định sự cần thiết phải có cách tiếp cận nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng, quản lý khác nhau cho những nhóm cộng đồng khác nhau. Trong đó, để minh họa, đề án nghiên cứu đi sâu hơn vào 5 nhóm khu vực tại Bình Dương nhằm góp ý kiến cho việc làm sao giải quyết nhu cầu ở và làm việc thực tế khác nhau của các nhóm dân cư và giải quyết tình trạng đô thị không có người ở cho các khu vực này. 5 nhóm khu vực gồm: Các khu vực có tính chất cộng đồng trung tâm đa chức năng hiện đại; các khu vực có tính chất cộng đồng dân cư cao cấp; các khu vực có tính chất cộng đồng công nhân; các khu vực có tính chất cộng đồng làng đại học; các khu vực có tính chất cộng đồng văn hóa Bình Dương; các khu vực cộng đồng bờ Đông ven sông Sài Gòn.
Như vậy, sự hài hòa giữa tiện ích con người với vấn đề bản sắc không những cần thiết, mà tiện ích phù hợp với các nhóm dân cư cộng đồng còn là tác nhân quan trọng góp phần tạo lập bản sắc.
- Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)