Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Áp dụng trần lãi suất USD nhằm chống đô-la hóa

Cập nhật: 20-04-2011 | 00:00:00

Việc áp dụng lãi suất huy động 3% với USD và buộc các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ lên 2% đang được áp dụng, Chính phủ đang tập trung siết chặt quản lý thị trường ngoại tệ, chuyển dần từ cơ chế vay mượn sang cơ chế mua bán. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM xung quanh những mục tiêu mà Chính phủ hướng đến khi thực hiện chính sách này...

  Giao dịch USD đang được kiểm soát chặt chẽ nhằm ổn định thị trường tiền tệ

- Thưa ông, việc áp trần lãi suất huy động 3% và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ lên 2% lần này, theo ông Chính phủ đang nhắm đến những mục tiêu nào?

Với động thái áp dụng mức trần lãi suất huy động USD 3% và nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc lên 2% của Chính phủ, theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, chỉ có tác động một phần đến việc giải quyết tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty. “... Việc găm giữ ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty chỉ liên quan một phần đến các biện pháp này thôi. Ngân hàng có bảo đảm được cho các tập đoàn, tổng công ty khi cần USD hay không là một chuyện, còn các tổng công ty, tập đoàn chạy sang kênh khác là chuyện khác. Và, nếu buông lỏng quản trị tuân thủ thì việc găm giữ vẫn xảy ra. Nhưng nếu làm đồng loạt các biện pháp thì sẽ chống được găm giữ USD...”, ông Dương nói.

- Mục tiêu nhắm đến là rất rõ ràng. Mục tiêu số 1 và lớn nhất, đó là Chính phủ chống đô-la hóa. Đây là cả một lộ trình dài hơi. Mục tiêu gần hơn là nhằm quản lý đồng USD cụ thể, bởi USD hóa không chỉ là dùng đồng USD mà còn ở cả đồng Euro và vàng nữa. Cho nên gần hơn là nhằm quản lý đồng USD, chuyển từ cơ chế vay mượn USD sang cơ chế mua - bán, đồng thời tập trung USD trong quá trình kiểm soát. Mục tiêu thứ 3 là thực hiện lộ trình để tác động làm giảm lãi suất của đồng tiền Việt. Làm kém hấp dẫn của đồng USD, đồng tiền Việt sẽ được gửi nhiều hơn, từ đó sẽ làm cho lãi suất của đồng tiền Việt giảm xuống. Khi tăng dự trữ bắt buộc làm cho giá vốn của ngân hàng tăng, giá đầu ra của đô-la tăng, người vay thấy không còn hấp dẫn, cầu vay sẽ giảm. Đồng thời với việc đó, chúng ta làm giảm lãi suất gửi USD xuống còn 3%. Hai biện pháp này sẽ đối lưu, đối trọng với nhau để đạt được mục tiêu. Nếu sử dụng một biện pháp thì mục tiêu không đạt được. Tính thắt chặt được thể hiện rõ, để cùng thực hiện mục tiêu chống lạm phát.

- Theo dự đoán của nhiều chuyên gia trước đó thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể tăng mạnh hơn. Vậy theo ông mức tăng chỉ 2% có thực sự bình ổn được thị trường?

- Ở đây có khái niệm lộ trình. Điều này lệ thuộc vào nhiều yếu tố lực cản khi tạo ra độ nở sau cho vay. Con số nào là hợp lý? Bản thân con số 2% và các căn cứ để đưa ra quyết định đó thực tế cũng khó thuyết phục. Trong lộ trình hiện nay, bằng tín hiệu của thị trường, chúng ta để 2% đã. Sau đó có công cụ điều hành linh hoạt, nếu phản ánh của thị trường báo rằng cao hay thấp, lúc đó sẽ điều chỉnh. Nếu nói 2% là thấp là cảm tính. Phải để tín hiệu thị trường báo là đúng hay chưa đúng, lúc đó sẽ điều chỉnh linh hoạt.

- Cán cân thanh toán liệu có bị ảnh hưởng gì không khi mà những dòng ngoại tệ từ nước ngoài như kiều hối, đầu tư gián tiếp (FII) đổ vào Việt Nam do trước đây lãi suất ngoại tệ cao?

- Khi phân tích cơ cấu, phần USD đổ vào bởi hấp dẫn từ lãi suất không chiếm tỷ trọng nhiều. Người ta cũng hiểu lãi suất này chỉ tồn tại trong một thời điểm nhất định, là khoản ngắn hạn thôi. Theo tôi cán cân thanh toán có ảnh hưởng, nhưng không có ảnh hưởng quyết định đến lượng kiều hối. Bởi vì mức lãi suất 3% vẫn đủ hấp dẫn, thứ hai người ta gửi vào không chỉ vì lãi suất, vì lượng gửi USD chỉ vì lãi suất không chiếm tỷ lệ nhiều.

- Với lãi suất 3% cùng cả mức điều chỉnh tỷ giá trong 3 năm gần đây thì khả năng người gửi ngoại tệ vẫn có lợi hơn là gửi tiền đồng. Và trên thực tế thì mức lãi suất 3% vẫn cao hơn nhiều so với thế giới. Theo ông thì sắp tới chúng ta có nên tiếp tục hạ trần xuống?

- Bây giờ nếu tính theo lạm phát tiền đồng, so theo lạm phát của đồng USD, sau đó so sánh gửi tiền đồng hơn hay USD hơn, vay tiền đồng hơn hay USD hơn? Do đó, Chính phủ cố gắng làm sao để tiền đồng gửi có lợi hơn thì sẽ đạt mục tiêu. Con số 3% hiện nay nếu tính sơ bộ thì tương đương, thậm chí người gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn một chút trong điều kiện kiềm chế được lạm phát. Giả sử gửi USD vẫn hấp dẫn sẽ có 2 khía cạnh: so với thế giới và so với tiền đồng. Lãi suất 3% cũng đang nằm trong lộ trình, khi có tín hiệu thị trường và tùy thuộc vào lạm phát của VND, lúc đó sẽ có điều chỉnh. Không nên so lãi suất tiền gửi USD với thế giới, vì tiền gửi này chỉ chấp nhận được lượng kiều hối thôi, còn tổ chức nước ngoài gửi vào Việt Nam thì không được phép. Do đó, chỉ nên so sánh tiền gửi bằng VND so với tiền gửi bằng USD. Lợi hơn hay không lợi hơn thì cũng vẫn điều chỉnh bằng công cụ thị trường hoặc công cụ hành chính sao cho cơ chế vay mượn USD biến mất, thay vào đó là cơ chế mua bán USD. Cho nên con số 3% chỉ là trạng thái tạm thời trong cả ngắn và dài hạn.

 - Chính phủ mới đây có yêu cầu ngân hàng Nhà nước giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại. Vậy ông có bình luận gì về khả năng sử dụng công cụ này vào thời điểm hiện tại?

- Đây là việc sử dụng công cụ đồng bộ thôi, vừa an toàn, vừa hỗ trợ cho các biện pháp trên. Đây không là biện pháp quyết định nhưng là biện pháp phối hợp, để cùng với các biện pháp khác giải quyết vấn đề vàng và USD mà cụ thể là giải quyết vấn đề USD. Trong một lộ trình chuyển dần từ cơ chế vay mượn sang mua bán, cần có biện pháp này để hỗ trợ, giữ an toàn cho hệ thống.

- Để thực hiện có hiệu quả hơn những mục tiêu mà Chính phủ đang hướng tới, theo ông các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp nào nữa?

 - Mục tiêu ưu tiên của năm 2011 và quý 1 năm sau là chống lạm phát. Khi chống lạm phát thì lệ thuộc vào một loạt các biện pháp, nên cùng lúc phải làm đồng thời. Vừa qua, vàng đã được quản lý thành công, biểu hiện của thành công ngắn hay dài chưa biết nhưng giá vàng đã sát với thế giới, không còn nhảy loạn lên. USD hiện nay đang bắt đầu được quản lý. Ngoài hai biện pháp trên, theo tôi vẫn cần thêm một loạt các biện pháp mang tính đồng bộ của Nghị quyết 11, song song đó là các biện pháp của chính sách tài chính, đầu tư. Riêng chính sách tiền tệ còn phải điều chỉnh những chính sách đang làm, bàn thêm những cái chưa làm như dự trữ bắt buộc của tiền đồng. Theo tôi cần làm đồng bộ các biện pháp và tính quyết liệt của biện pháp, thậm chí cả biện pháp khắc chế lòng tin của dân. Do vậy, cần phải làm nhiều biện pháp chứ không chỉ giải quyết riêng USD. Tôi nghĩ cứ làm theo đúng chính sách của Nghị quyết 11 nhưng phải làm quyết liệt và hướng đến tính hiệu quả của mỗi đầu biện pháp, cùng với biện pháp quản lý USD và vàng thì không có lý gì mà lạm phát không bị đẩy lùi.

- Xin cám ơn ông!

Trần lãi suất USD 3% không “bắt buộc” phải lách

Sau khi quyết định có hiệu lực, hầu hết các ngân hàng đều kéo thẳng đường cong lãi suất huy động USD, một số ngân hàng còn có cả những khuyến mại đi kèm. Điều này dấy lên lo ngại việc các ngân hàng “lách” thực hiện trần lãi suất USD như đã  diễn ra tương tự đối với trần 14% huy động đồng nội tệ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, với trần lãi suất 3% không khiến các ngân hàng phải “lách”.

Ông Dương nhìn nhận, việc “lách” trần lãi suất là một trong những nhược điểm cố hữu của các biện pháp quản lý bằng hành chính. Con số 3% và 14% có màu sắc của ý chí chủ quan và không bao giờ khớp với tình hình thị trường. Do không khớp, nên các ngân hàng sẽ tìm kẽ hở để “lách”. Tiền đồng thì “lách” bằng cách nâng lãi suất tiền gửi thanh toán lên, thậm chí lên tới 14%, rồi từ đó ngoài phần 14%, người ta đưa tiền trực tiếp cho người gửi, hoặc thành lập công ty con, giao thêm trách nhiệm cho công ty con, kể cả việc cho vay và huy động dưới hình thức ủy thác. Tương tự với đồng USD, khi đã chấp nhận biện pháp hành chính thì muốn hay không muốn sẽ có mặt trái. Nếu quan hệ cung cầu cao hơn mức lãi suất 3% thì việc người ta tìm cách để lách là điều thường trực của nhà kinh doanh. Không cho khuyến mại, nhưng họ làm lén hay thành lập công ty con. Điều này lệ thuộc vào công tác quản trị tuân thủ, khi gia tăng kiểm soát như gia tăng với tiền đồng hiện nay thì việc khuyến mại tuy có nhưng sẽ không phổ biến và chúng ta có thể quản lý được. Lãi suất trần huy động USD 3% là có căn cứ tất nhiên chưa thể sát, nhưng không có nghĩa là buộc người ta phải lách như lãi suất trần huy động nội tệ 14%.

 

THÀNH SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên