Sau một thời gian quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, chống lạm phát với chính sách tiền tệ thận trọng, thắt chặt, một số ý kiến chuyên gia bắt đầu lo ngại và đề xuất không nên thắt chặt tiền tệ thêm nữa vì cho rằng tiếp tục thắt chặt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và tạo ra tác nhân gây ra lạm phát vòng tròn ngược. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Bình Dương, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa QTKD, Đại học Ngân hàng TP.HCM, phản đối quan điểm này và cho rằng vẫn phải thắt chặt tiền tệ...
“Không thắt chặt, lạm phát bùng lên 4%/tháng thì sao?”
Ông Dương phân tích, trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, điểm quan trọng nhất đề ra vẫn là phải thắt chặt tiền tệ trên nền thận trọng. Trước đó, trong tháng 1, 2, 3, lãi suất đều cao theo lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng lạm phát lại trỗi dậy. Lạm phát là thành phần của lãi suất nên để chống lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ. Khi thắt chặt tiền tệ thì một số mục tiêu khác sẽ bị ảnh hưởng nhưng ưu tiên của ưu tiên vẫn là kiềm chế lạm phát. Về nguyên tắc, chống lạm phát có nhiều giải pháp. Khi nâng lãi suất lên, lạm phát sẽ chúi xuống. Nhưng nâng lãi suất lên, để lãi suất cao lâu quá sẽ gây ra tác động vòng tròn, tác động ngược. Khi lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sản xuất, làm cho sản xuất hàng hóa giảm. Khi sản xuất hàng hóa giảm, sẽ theo quy luật cung cầu, cung giảm đi, cầu vẫn cao, giá cả tất yếu sẽ bị đẩy lên. Hiện nay, việc nâng lãi suất lên cũng có thể nói là trong khoảng thời gian hơi bị dài. Điểm bắt đầu của nâng lãi suất là cuối quý 2-2010 cho đến tận bây giờ. Do đó, nếu chống lạm phát mà nâng lãi suất cao lên lâu quá, sẽ lại trở thành tác nhân gây lạm phát.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng: “Trong Nghị quyết 11, Chính phủ không chỉ làm riêng việc thắt chặt tiền tệ mà dùng tổng hòa các biện pháp với 4 trục chính, bao gồm: Chính sách tài khóa; chính sách đầu tư, cắt giảm tổng cầu rất quyết liệt; chính sách xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu lại và chính sách cuối cùng là thắt chặt tiền tệ. Trong trường hợp không làm đồng bộ 4 chính sách này, nếu thắt chặt tiền tệ quá lâu sẽ gây ra tác nhân lạm phát. Nhưng khi Chính phủ thực hiện đồng bộ các chính sách này, việc thắt chặt tiền tệ sẽ khó gây tác động ngược, khó trở thành tác nhân gây lạm phát... Quan điểm nói rằng, thời điểm này không nên thắt chặt tiền tệ nữa là không ổn. Nếu chúng ta không thắt chặt, lạm phát đẩy bùng lên 4 -5%/tháng thì tính sao?! Vậy nên, theo tôi, cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ, đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp từ 3 chính sách tài khóa, đầu tư, xuất nhập khẩu, sẽ đạt được mục tiêu. Tôi không đồng ý quan điểm không thắt chặt tiền tệ nữa. Nếu không thắt chặt mà nới lỏng ra, cũng không “cứu” được doanh nghiệp. Vậy nên, chấp nhận giảm tăng trưởng GDP xuống để kiềm chế lạm phát thôi...”, ông Dương cho hay.
Ngưng huy động vốn bằng vàng cũng là chống đô-la hóa
Theo quy định của Thông tư 11/TT-NHNN ngày 29-4-2011, việc huy động và cho vay bằng vàng đã bị chấm dứt từ ngày 1-5-2011. Ủng hộ chính sách này, tiến sĩ Lê Thẩm Dương bình luận, đây cũng là chính sách để chống đô-la hóa nền kinh tế vì khi không sử dụng đồng nội tệ mà sử dụng đồng euro, đồng USD, vàng... đều gọi là đô-la hóa. Theo ông Dương, diễn biến của việc đô-la hóa nặng như bây giờ nếu không kiên quyết chống, sẽ gây ra hậu quả liên quan đến tồn vong quốc gia, nhẹ hơn thì chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của nước khác. Thực tế, việc ngăn huy động vốn bằng vàng cũng đang tạo ra những khó khăn nhất định cho các ngân hàng nhưng chính sách nào đưa ra cũng có tính ảnh hưởng 2 mặt. Việc cấm huy động vốn bằng vàng sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng kinh doanh nhưng được lợi cho ổn định vĩ mô trong trước mắt và lâu dài: “... Đối với các ngân hàng, trước mắt không được huy động vàng nên mất nguồn; lượng vàng đã huy động rồi, bây giờ phải lo trả cho người gửi, gây ra trở ngại và kế đến là mất đi lợi nhuận, khi không được phép hoạt động nữa. Tuy nhiên, so cái lợi nhỏ này với quyền lợi quốc gia, không có ý nghĩa gì cả...”.
Băn khoăn về mất nguồn huy động vốn của các ngân hàng, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, chỉ là vấn đề kỹ thuật. Khi chuyển từ cơ chế vay mượn sang cơ chế mua bán, người dân sau khi có chỗ tổ chức mua - bán vàng, sẽ bán vàng thành tiền và gửi ngân hàng. Ở đây, việc bảo toàn giá trị sẽ theo mức lãi suất dương, không ảnh hưởng đến người gửi. Vậy nên, nếu có khó khăn trước mắt chỉ là tác động nghiệp vụ, còn đứng về nguồn huy động, không cho huy động vàng nhưng vàng vẫn được chuyển thành tiền huy động, không ảnh hưởng gì đến nguồn huy động của các ngân hàng.
THÀNH SƠN