Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam: Cần quy hoạch hiệu quả chuyên canh các vùng trái cây

Cập nhật: 24-04-2010 | 00:00:00

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu

(BDO)   Trả lời báo chí bên lề Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (ảnh) cho rằng: Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 438 triệu USD, đây là con số đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng. Một điểm đáng chú ý trong thời gian qua là xuất khẩu trái cây có nhiều khởi sắc, nhiều sản phẩm đã nhận được giấy chứng nhận thông hành quý giá để ung dung bước vào những thị trường vốn được xem là “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU - những thị trường vốn là niềm mơ ước của chúng ta.

 

-Những khó khăn, thách thức của trái cây Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

 

Ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam hiện nay còn tồn tại khá nhiều khó khăn, chủ yếu do phương thức sản xuất tiểu nông vốn đã hình thành từ bao đời nay. Từ phương thức tiểu nông này nên chất lượng trái cây chưa đồng đều, cơ giới hóa trong sản xuất, đóng gói đúng cách trái cây còn thiếu. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cách xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm còn nhiều bỏ ngõ. Chính vì vậy, rất nhiều loại trái cây đặc sản của chúng ta vẫn chưa có những vùng chuyên canh lớn, chưa xác định được ai là “nhạc trưởng” trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Do sản xuất manh mún nên tính liên kết, hợp tác giữa các nông hộ chưa cao, không thể tạo ra số lượng sản phẩm lớn do thị trường yêu cầu và đặc biệt là chất lượng sản phẩm không đồng đều, trong khi đây lại là yêu cầu quan trọng của các lô hàng xuất khẩu. Tôi cũng đã từng nghe được những câu chuyện xung quanh việc thu mua trái cây xuất khẩu cười ra nước mắt về vấn đề này.

 

Một khó khăn khác cho việc xuất khẩu trái cây là trong thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản không đúng cách với công nghệ lạc hậu khiến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của ngành sản xuất rau quả rất cao, khoảng 20%…

- Theo ông, ngành trái cây Việt Nam làm gì để khắc phục những hạn chế đó?

 

Theo tôi, trước hết các địa phương phải nhanh chóng quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái. Theo đó, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, mỗi tỉnh chỉ nên chọn 1-2 loại cây ăn trái để tổ chức sản xuất lớn, ít nhất là vài ngàn héc ta cho một loại cây. Từ kinh nghiệm sản xuất tại tỉnh Bình Thuận cho thấy, họ đã từng bước thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho trái thanh long, bắt đầu bằng việc tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để có được Visa (thị thực nhập cảnh) trong xuất khẩu. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tăng cường sự hỗ trợ bằng cách xây dựng hệ thống hạ tầng (đường giao thông, nhà kho, nhà đóng gói, trụ sở hợp tác xã...). Song song đó, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường và tiếp thị sản phẩm ra thị trường quốc tế. Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái cần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám ở các viện nghiên cứu bằng cách đổi mới cơ chế quản lý giống như các công ty tư nhân, được trả lương theo hiệu quả công việc thay vì cào bằng như hiện nay để giữ chân người giỏi, có tâm huyết với ngành trái cây.

  Sản phẩm trái xoài đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn được các nhà chuyên môn kiểm tra nghiêm ngặt  

- Hiện nay, nhiều nơi đã áp dụng tiêu chuẩn GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) trong sản xuất nhưng hiệu quả chưa cao. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

 

Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất trái cây được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP như: Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), thanh long Bình Thuận, chôm chôm Chợ Lách (Bến Tre)... Đây là một điều đáng mừng cho sản xuất trái cây Việt Nam. Qua đó cho thấy nông dân đã bước đầu thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, coi việc sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện cần thiết để tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP mới chỉ dừng ở vài mô hình chứ chưa nhân rộng ra trong nông dân. Theo tôi có tình trạng này là do chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước.

 

Trên thực tế, khi triển khai tổ chức sản xuất theo hướng GAP, ngoài sự hỗ trợ của một số tổ chức như Metro, ADC, người nông dân phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng để tổ chức lại sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phù hợp với yêu cầu để nhận được một tờ giấy chứng nhận mỏng manh. Trong khi Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ cho việc này. Chính vì vậy, để mở rộng vùng sản xuất ra vài trăm héc ta thì một mình nông dân không thể làm nổi. Cái khó nằm ở chỗ hiện nay chưa có chủ trương cụ thể. Ngoài ra, công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP cũng chỉ tổ chức theo bề rộng mà chưa đi vào chiều sâu.

 

Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay để nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng GAP là Nhà nước phải kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp.

 

- Trong chuỗi sự kiện Festival, một hội thảo liên kết giữa “4 nhà” cũng sẽ diễn ra. Để nâng cao chất lượng của mối liên kết “4 nhà”, vốn lâu nay được coi là lỏng lẻo, ông có đề nghị gì?

 

Mối liên kết “4 nhà” (nhà quản lý-nhà nông-nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành trái cây nói riêng vẫn được coi là còn nhiều vấn đề khi mà lượng nông sản được bao tiêu qua hợp đồng còn rất hạn chế. Chưa kể những vụ phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, để nâng cao chất lượng mối liên kết “4 nhà”, theo tôi, chính quyền từng tỉnh phải là chỉ huy ban đầu để tổ chức sản xuất, khi đã có sản phẩm tốt với số lượng lớn thì sẽ có doanh nghiệp đến thu mua theo hợp đồng. Để xây dựng giá thu mua hợp lý cho nông dân nên bớt các khâu trung gian bằng hình thức tạo điều kiện cho nhà vườn tham gia các hợp tác xã hoặc bằng hình thức đấu giá sản phẩm do nhà vườn đem đến các chợ đầu mối.

 

Theo tôi, trong liên kết “4 nhà”, vai trò cầm trịch của Nhà nước trong mối liên kết này là rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta nên tổng kết, đánh giá hiệu quả của việc liên kết trong thời gian qua. Qua đó tiếp tục khắc phục hạn chế để ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất trái cây nói riêng phát triển mạnh bền vững.

            HỒ VĂN (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên