Tiền tiết kiệm “chảy mạnh” vào hệ thống ngân hàng

Cập nhật: 08-08-2022 | 07:54:01

Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp hơn so với lợi nhuận khi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… nhưng kênh gửi tiền tiết kiệm vẫn thu hút nguồn vốn khá hiệu quả, an toàn, được nhiều người lựa chọn.

 Gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn dù lãi suất thấp hơn so với kênh đầu tư khác. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tiền gửi tại BIDV chi nhánh Bình Dương

 Ngân hàng hút mạnh tiền gửi

Hết hạn sổ tiết kiệm VND 2 tháng, trong khi lại có thêm tiền nhàn rỗi, chị Nguyễn Thị Lan Anh, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bình Dương làm thủ tục gửi mới với kỳ hạn 1 năm. Theo chị Anh, gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất không cao nhưng an toàn. Tương tự, chị Lê Thu, ở phường Tân Định, TX.Bến Cát, cho biết chị vừa tất toán khoản tiền gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng tại Vietinbank chi nhánh Bình Dương. Thay vì rút ra để kinh doanh chị Thu quyết định gửi tiếp 6 tháng nữa dù lãi suất chỉ còn 4%/năm. “Tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm vì chưa biết kinh doanh, đầu tư vào đâu thời điểm này”, chị Thu chia sẻ.

Tham khảo mức lãi suất huy động bình quân của các ngân thương mại trên địa bàn tỉnh, cho thấy hiện lãi suất tiền gửi VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; kỳ hạn dưới 1 tháng 3 - 3,4%/năm; 4,0 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 5,5 - 5,6%/năm. Theo thông tin từ một số ngân hàng thương mại, lãi suất đi xuống nhưng lượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng khá tốt trong nửa đầu năm nay. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện ngân hàng đang có số dư huy động trên 25.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước; cho vay 18.000 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa phục hồi và ổn định.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương cho thấy tính đến cuối tháng 6, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 281.432 tỷ đồng, tăng 5,46% so với đầu năm, tăng 11,18% so cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tổng dư nợ đạt 275.853 tỷ đồng, tăng 8,55% so với đầu năm, tăng 11,65% so cùng kỳ năm 2021. Điều này phản ánh thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại thay đổi biểu lãi suất huy động theo xu hướng giảm ở các kỳ hạn nhưng vốn huy động vẫn tăng.

Giảm áp lực cho nền kinh tế

Trong 2 tháng gần đây, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động được dư luận, nhất là người gửi tiền rất quan tâm. Theo đánh giá của lãnh đạo một số ngân hàng, hiện tượng lãi suất tiền gửi tăng ở một số ngân hàng thương mại nhỏ có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tạm thời. Sự dịch chuyển đó buộc các ngân hàng nhỏ phải điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động để thu hút khách hàng. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Ngọc Linh đánh giá các ngân hàng chỉ tăng lãi suất phổ biến trong kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng, kỳ hạn dài lãi suất tăng rất nhẹ. Điều đó cho thấy việc tăng lãi suất chủ yếu phục vụ nhu cầu tăng vốn, thu hút khách gửi tiền, về lâu dài các ngân hàng vẫn lưu ý vấn đề tỷ giá và các diễn biến thị trường tài chính cuối năm.

Như vậy, có thể nhận thấy trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, các chuyên gia nhận định NHNN sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh, bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp. Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng cao hơn so với tín dụng, cho thấy người dân vẫn coi tiết kiệm ngân hàng là một kênh đầu tư quan trọng. Các ngân hàng thương mại tham gia đợt giảm lãi suất hồi đầu tháng 6 vừa qua một phần cũng nhờ nguồn vốn huy động của các ngân hàng này được bảo đảm tốt nên sẵn sàng giảm lãi suất cho khách hàng của mình. Ngoài ra, việc các ngân hàng cùng tham gia giảm lãi suất cho vay còn do hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng trên địa bàn đã có những kết quả nhất định.

 Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương: Những tháng cuối năm, NHNN đang có những giải pháp giám sát từ xa để ngăn chặn kịp thời các hoạt động biến tướng trong huy động vốn. Bên cạnh đó có hình thức xử lý những ngân hàng từ chối cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những đối tượng ưu tiên để tạo niềm tin cho thị trường. Đồng thời, đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm tiếp sức cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=925
Quay lên trên