Cứ 4 năm một lần, Đại hội TDTT toàn quốc là sân chơi lớn nhất của thể thao cả nước nhằm đánh giá toàn diện công tác phát triển thể thao của các tỉnh, thành, ngành. Chính vì mục đích quan trọng ấy, các giải đấu thuộc đại hội luôn “nóng” với những cuộc đua tranh khốc liệt, thường đi kèm với những tranh cãi quyết liệt. Nên chăng, ngoài BTC chuyên môn cần thêm một tiểu ban đủ thẩm quyền để giám sát bảo đảm sự công bằng ở các giải đấu trong khuôn khổ đại hội?
Nước mắt của võ sĩ Taekwondo do bị xử ép
Điểm lại một số đại hội gần đây, đặc biệt là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4-2002 và lần 5-2006, khá nhiều giải đấu, đặc biệt là các môn võ thuật luôn diễn ra quyết liệt bởi tính chất đối kháng trực tiếp và kết quả luôn có phần “nhạy cảm” bởi phụ thuộc nhiều vào góc nhìn và nhận định mang tính cảm tính của các trọng tài. Vì vậy kết quả của các thứ hạng cũng từ đó mà thiếu chính xác, khách quan, chưa phản ánh đúng thực tài của các võ sĩ. Và hệ quả là nhiều lá đơn thưa kiện, phát sinh mâu thuẫn dẫn đến mất đoàn kết, thậm chí xuất hiện việc ẩu đả không đáng có. Và hơn ai hết, những người trong cuộc hiểu rõ những bức xúc và đều muốn chấn chỉnh vấn nạn đó, để cuộc chơi được diễn ra công bằng. Thế nhưng gánh nặng thành tích luôn là áp lực nặng nề khiến phán xét cuối cùng của các trọng tài luôn “méo mó” mà ít được BTC quan tâm thấu đáo. Chính vì thế, nên chăng có thêm một hội đồng giám sát có thẩm quyền từ phía Tổng cục TDTT để đồng giám sát toàn bộ hoạt động của các giải cùng với BTC chuyên môn để kịp thời giải quyết những phát sinh xảy ra?Theo ý kiến của nhiều HLV kinh nghiệm trên toàn quốc, thì việc có thêm một Hội đồng giám sát của Tổng cục TDTT sẽ hạn chế được nhiều vấn nạn này. Bởi thực tế cho thấy nhiều giám sát của bộ môn chưa phát huy hết vai trò của mình, thậm chí còn “làm lơ” trước những biểu hiện tiêu cực vốn trong tầm kiểm soát của mình. Và đặc biệt, tình trạng “chia huy chương” giữa các đơn vị là có thực. Điều này bắt nguồn từ gánh nặng thành tích của các địa phương khiến giải mất đi tính tranh đua lành mạnh và thẳng thắn, chính vì thế, mục đích của đại hội theo đó cũng giảm sút. Theo phân công nhân sự, thì tại các giải đấu thuộc đại hội, các Trưởng bộ môn là những người chịu trách nhiệm cuối cùng, nhưng trong nhiều trường hợp, vì yếu tố khách quan lẫn chủ quan họ đều “cho qua” một cách có chủ ý hay vô ý. Nhưng nói đi phải nói lại, những tình huống nhạy cảm xảy ra những sự cố ngoài ý muốn cũng có lỗi một phần của chính những người dẫn dắt VĐV, bởi họ chưa nhìn nhận rõ việc thắng, thua đôi khi chỉ trong khoảng cách rất mong manh và vô hình.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các HLV thuộc nhiều đơn vị tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, việc cần có một “giám sát của giám sát” thì không cần thiết, bởi hầu hết các môn vẫn có người chịu trách nhiệm giám sát. Nhưng công tác này cần phải chặt chẽ hơn, bởi có thực trạng nhiều giám sát không phải là người có chuyên môn, chính vì thế họ chưa phát huy hết vai trò của mình để giúp giải thành công. Bên cạnh đó, nếu người Trưởng bộ môn ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Nếu giải đấu được điều hành, tổ chức công tâm thì việc có thêm giám sát quả là lãng phí. Cách làm đơn giản nhất mà hiệu quả là việc nên thành lập một Tiểu ban giám sát của giải trong đó có Trưởng bộ môn, các trọng tài, HLV trung gian cùng nhau phối hợp giải quyết các tình huống nhạy cảm và hạn chế tối đa tiêu cực đã, đang và sẽ xảy ra.
Đã đến lúc, các môn thể thao khác, đặc biệt là các môn võ thuật cũng cần phải có cách làm như bóng đá, sân chơi có cả giám sát trọng tài, trận đấu và cả đội ngũ “bồi thẩm đoàn” để cuộc chơi luôn công bằng và mang giá trị thuần khiết là nơi tranh tài lành mạnh và những VĐV ưu tú nhất phải được tôn vinh. Và nếu được như thế, hình ảnh nhiều VĐV nức nở rời thảm đấu trong tức tưởi sẽ không còn xuất hiện tại kỳ đại hội lần này nói riêng cũng như ở các giải đấu khác trong tương lai.
LONG VĨNH