Tiến tới “khai tử” học bạ giấy, sử dụng học bạ điện tử

Cập nhật: 17-03-2023 | 08:30:31

Với mục tiêu sử dụng học bạ điện tử, sớm loại bỏ học bạ giấy, năm học 2022-2023, ngành giáo dục huyện Phú Giáo triển khai số hóa hồ sơ cho học sinh (HS) lớp 1 và lớp 6. Theo đó, toàn ngành đã tạo lập hồ sơ điện tử cho HS. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số mà chất lượng dạy và học của huyện không ngừng được nâng cao.

 Giáo viên trường THCS Phước Hòa quản lý học bạ điện tử trên phần mềm

 Tiện lợi, chính xác

 Mỗi năm, ngành giáo dục huyện Phú Giáo có hàng chục ngàn HS mới nhập học TH và tốt nghiệp THCS. Khối lượng học bạ mà các trường đang phải lưu trữ là rất lớn nên cũng dễ bị thất lạc, mất dữ liệu. Hiện nay, ngoài việc giảng dạy và giáo dục HS, giáo viên (GV) trên địa bàn huyện phải làm nhiều loại hồ sơ sổ sách rất mất thời gian. Sau khi HS kiểm tra học kỳ xong, GV chấm bài kiểm tra, nhập điểm và ghi điểm học bạ có khi mất cả hai tuần lễ. Chưa kể, việc ghi điểm thủ công rất dễ dẫn đến sai sót, khi đó GV phải sửa chữa.

Hiện GV THCS dạy các môn nhiều tiết như toán, ngữ văn, ngoại ngữ ghi thủ công hàng trăm con điểm, chữ ký. Vào điểm học bạ học kỳ 2 thì thao tác này nhân lên gấp 2 lần với cột điểm học kỳ 2 và cột điểm cả năm. Đơn cử tại trường THCS Phước Hòa, GV môn văn dạy 19 tiết, lấy trung bình một lớp 37 HS thì thầy cô phải vô 224 cột điểm học kỳ 1, 224 cột điểm học kỳ 2 và 224 cột điểm cả năm cùng chữ ký. Tương tự, GV dạy các môn: Công nghệ, tin học, giáo dục công dân… phải ghi điểm cùng chữ ký xác nhận vào sổ học bạ. Học bạ điện tử chính là giải pháp tối ưu, vừa giảm nhẹ công việc cho GV, vừa góp phần cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại HS. Cùng với đó, số hóa hồ sơ sổ sách cũng giúp tiết kiệm khoản mua sổ giấy, in ấn.

Thầy Mai Quốc Quân, GV phụ trách công nghệ trường THCS Phước Hòa, cho biết: “Sử dụng học bạ điện tử thì GV chỉ mất vài ba phút ký tên, rất nhanh chóng. Khi cơ sở dữ liệu của mỗi HS được số hóa, chỉ với mã số HS, phụ huynh cũng có thể tra cứu được điểm số của con em mình và quan trọng hơn sẽ chủ động đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến cho các em. GV của trường đã được tập huấn sử dụng phần mềm nhưng cái khó của trường là hiện vẫn chưa được cấp chữ ký số, GV thực hiện in bảng điểm ra giấy và phải ký bằng tay”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Hoàng Tâm, Hiệu trưởng trường TH Phước Vĩnh A, cho biết: “Chúng tôi đã được tập huấn và tìm hiểu về hệ thống học bạ điện tử, thấy rõ sự thuận tiện cho nhà trường, GV và phụ huynh HS. Hệ thống này sẽ giúp GV giảm nhiều áp lực khi không phải ghi chép, nhận xét các loại hồ sơ, sổ sách học bạ thủ công như trước đây”. Chị Nguyễn Hoàng Oanh, phụ huynh HS trường THCS Bùi Thị Xuân, bày tỏ: “Học bạ điện tử tạo thuận lợi cho phụ huynh kiểm tra, giám sát quá trình học tập của con em và dễ dàng nắm bắt thông tin về tình hình học tập hàng ngày của con cũng như các nhận xét, thông báo, mời họp từ phía nhà trường, kế hoạch hoạt động của lớp. Tôi mong hệ thống hữu ích này sớm được triển khai rộng cho tất cả các khối lớp”.

Giảm áp lực, tạo động lực

 Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Phú Giáo đã tích cực tiến hành triển khai học bạ điện tử, bảng điểm điện tử. Đây là quá trình thực hiện chương trình số hóa của ngành, lưu trữ bảo đảm an toàn, bảo mật cao, chỉ người có thẩm quyền mới được điều chỉnh. Tất cả dữ liệu phần mềm chính thống được chuyển đồng bộ, tự động từ các trường tới phòng hoặc Sở Giáo dục - Đào tạo. Nhờ chủ động triển khai học bạ điện tử, các trường học trên toàn huyện thực hiện công tác quản lý số hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung.

 “Để giải quyết những tồn tại của học bạ giấy, bài toán đặt ra cho ngành giáo dục huyện là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển dần sang sử dụng học bạ điện tử, bảng điểm điện tử. Theo lộ trình, năm học 2022-2023, huyện sẽ thực hiện cho khối lớp 1, lớp 6; năm học 2023- 2024 thực hiện cho lớp 1, lớp 2, lớp 6 và lớp 7. Các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện cho các khối lớp, cho đến năm học 2026-2027 sẽ đồng bộ toàn huyện. Sử dụng học bạ, bảng điểm điện tử góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo”.

(Thầy Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Giáo)

Thầy Nguyễn Văn Chúc, chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Giáo, cho biết: “Trước đây, việc thống kê, kiểm tra phải chờ các đơn vị gửi lên, mất thời gian. Nhưng khi thực hiện hệ thống học bạ điện tử, nhà trường, cán bộ quản lý chỉ cần một vài thao tác đơn giản là đã có đầy đủ số liệu chính xác. Hơn nữa, việc triển khai học bạ điện tử còn tạo điều kiện cho cha mẹ HS chủ động kiểm tra, nắm bắt kết quả học tập của con em mình, tạo sự trao đổi thông tin 2 chiều giữa phụ huynh với GV một cách thường xuyên, thuận lợi. Đặc biệt, với GV, việc sử dụng sổ điểm điện tử sẽ giúp giảm áp lực trong việc tính điểm trung bình các môn, xếp loại học lực, xếp hạng của HS, đồng thời bảo đảm tính chính xác, hạn chế tiêu cực trong việc xin, sửa điểm, góp phần chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Ngoài những ưu điểm trên, khi sử dụng học bạ điện tử, việc chuyển cấp, chuyển trường cho HS sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Cán bộ, GV, nhân viên của ngành chỉ cần thao tác gửi link, toàn bộ học bạ của HS sẽ được chuyển từ trường đang học đến địa chỉ nhận mới.

 HOÀNG LINH - LÝ HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên