Tiến tới một nền báo chí tự chủ về tài chính

Cập nhật: 12-08-2010 | 00:00:00

Hôm qua (11-8), tại Hà Nội, Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp tục ngày làm việc trù bị thứ 2. Tại đây, các đại biểu đã đọc các tham luận, thảo luận và làm công tác nhân sự. Từ danh sách 80 người do đại hội giới thiệu, các đại biểu đã tiến hành 2 vòng bỏ phiếu để bầu chọn 51 người vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Bên lề đại hội, phóng viên đã ghi nhận ý kiến các nhà báo về vấn đề đổi mới hoạt động báo chí hiện nay.

 

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT): Tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí được làm kinh tế

 

Công tác quản lý báo chí, việc đầu tiên là phải xây dựng được hành lang pháp lý, để có hệ thống pháp luật chuẩn mực cho báo chí hoạt động. Tất nhiên những khuôn khổ pháp luật đó sẽ có những thay đổi nhằm phù hợp với tình hình phát triển của báo chí. Ví dụ quảng cáo trên báo in trước đây không được vượt quá trang nội dung nhưng với tình hình như hiện nay điều đó không phù hợp nữa. Chúng ta sẽ điều chỉnh những điều không hợp lý, bổ sung những điều mới trong công tác quản lý.

 Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Hội Nhà báo.

Thứ hai, công tác đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà báo. Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí là điều quan trọng nhất. Khi các nhà báo có tính chuyên nghiệp cao, cùng với sự am hiểu pháp luật thì thông tin báo chí sẽ chính xác và có tính thuyết phục cao, không bị sai lệch. Đây cũng là vấn đề cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

 

Về vấn đề phát triển kinh tế báo chí, đó là một xu hướng tất yếu. Chúng ta phải tiến tới một nền báo chí tự chủ về tài chính. Còn nhiều vấn đề nữa sẽ giải quyết trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí được làm kinh tế như một doanh nghiệp mà không vi phạm pháp luật.

 

Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng: Cơ hội chín muồi để xây dựng các tập đoàn báo chí

 

Kinh tế báo chí nói chung và đối với Báo SGGP là một nội dung rất quan trọng. Bởi lẽ từ khi thành lập đến nay, Báo SGGP đã đi đầu trong việc tự trang trải, tự nuôi sống mình, bên cạnh việc làm nghĩa vụ cho Nhà nước.

 

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà kinh tế thế giới có thay đổi và sức ép đối với báo giấy ngày càng tăng, các loại hình truyền thông khác phát triển mạnh thì kinh tế báo chí nói chung và đối với báo giấy càng đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là để tiếp tục giữ được sự phát triển; thứ 2 là để nuôi được bộ máy hoạt động của mình; thứ 3 là có nguồn thu để tiếp tục đầu tư dài hơi cho việc phát triển.

 

Rất mừng là từ năm 2009, Báo SGGP đã được Thành ủy TPHCM ban hành Quyết định 1085 và trước đó là Thông báo số 425 (ngày 11-12-2008) của Thường trực Thành ủy phê duyệt “Đề án xây dựng Báo SGGP giai đoạn 2009 - 2015”. Trong đó cho phép Báo SGGP được thực hiện 3 chức năng: thông tin tuyên truyền; kinh tế báo chí và hoạt động xã hội. Hiện nay Ban Biên tập Báo SGGP đang xây dựng, cơ cấu lại hoạt động của tờ báo theo đúng 3 chức năng này. Theo tôi, đây cũng là điều kiện quan trọng để hình thành cơ sở cho việc xây dựng mô hình tập đoàn báo chí thời gian tới.

 

Vấn đề tập đoàn báo chí không phải mới trên thế giới, ngay ở Trung Quốc mô hình này đã hoạt động rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Ở Việt Nam, muốn làm được điều đó, cần có những điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý, cụ thể ở đây là Luật Báo chí. Có thể khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhất là báo điện tử và những phương tiện truyền thông mới, Luật Báo chí có nhiều điều không còn phù hợp nữa. Phải làm sao để báo chí được hoạt động rộng rãi hơn, nhất là về mặt kinh tế báo chí, miễn làm sao không vi phạm pháp luật. Mặt khác, cần phải định danh được “tập đoàn báo chí” thì chúng ta mới có cơ sở, điều kiện để phát triển theo hướng đó. Thời điểm này đã chín muồi để báo chí Việt Nam có thể phát triển thành những tập đoàn báo chí có sức mạnh truyền thông ngang tầm khu vực và vươn ra thế giới.

 

Nhà báo Trần Nhung, Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam: Nâng cao tính phản biện xã hội của báo chí

 

Báo chí có trách nhiệm tham gia phản biện xã hội và theo tôi đó là một kênh hết sức quan trọng giúp Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách. Hiện nay báo chí đã tham gia phản biện xã hội nhưng rõ ràng chưa đạt yêu cầu, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để hoạt động phản biện xã hội thực sự tốt, bản thân các nhà báo và cơ quan báo chí trước tiên phải nêu cao trách nhiệm, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm công dân của mình. Vì nếu có hai trách nhiệm này thì các tờ báo mới dám đề cập đến các vấn đề của đất nước, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân mà phản biện.

 

Khi báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội tốt thì không chỉ góp phần giúp Nhà nước hoạch định chính sách đưa ra các quyết định đúng đắn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân đáp ứng lợi ích dân tộc, mà còn góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên