Tiến tới “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc”

Cập nhật: 20-12-2013 | 00:00:00

Tại tỉnh Bình Dương, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa tổ chức Hội nghị giao ban Dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc”.

 Dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc” là dự án vốn vay được tài trợ 35 triệu USD từ Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Eximbank). Dự án gồm 6 dự án thành phần: Dự án Thành phần I (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Cơ quan chủ quản và Tổng cục Dạy nghề là Chủ đầu tư) và 5 dự án thành phần tại các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Dương và Cà Mau.

Dự án “Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc” là dự án có nhiều khó khăn, phức tạp nhất trong các dự án thuộc sự quản lý của Tổng cục Dạy nghề. Dự án này được khởi động chuẩn bị từ năm 2002 và chính thức được khởi động từ tháng 1-2011; thiết kế nội dung và ngân sách của dự án ban đầu đã trở nên lạc hậu khi chính sách dạy nghề và môi trường kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi; thiết kế mô hình quản lý cũng rất đặc thù (dự án chia thành 6 dự án thành phần) nên một dự án thành phần bị chậm trễ dẫn đến cả dự án bị chậm trễ và không hiệu quả. Vì vậy, từ tháng 7-2011 đến hết năm 2012, dự án tập trung điều chỉnh lại thiết kế nội dung hoạt động của cả 6 dự án thành phần cho phù hợp với bối cảnh mới và ngân sách dự án.

Việc điều chỉnh phương pháp tiếp cận dự án 4 (áp dụng trọn gói mô hình dạy nghề của Hàn Quốc) là bước đột phá và hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020 của Việt Nam và nguồn kinh phí có hạn của dự án. Các chủ đầu tư dự án thành phần trường đã lựa chọn 8 nghề (bao gồm cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí) để đầu tư tập trung và đồng bộ bằng nguồn vốn ODA nhằm tiếp cận trình độ quốc tế (tương đương trình độ Hàn Quốc).

Để bảo đảm cho các trường thụ hưởng dự án có thể sớm đi vào hoạt động và tuyển sinh, các tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ nhân sự (hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên có trình độ phù hợp với các nghề đã lựa chọn đầu tư), bộ máy quản lý và chủ động tiến hành các thủ tục pháp lý của trường (đăng ký hoạt động, con dấu…).

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X