Tiếng chổi đêm của người “lao công” không lương

Cập nhật: 23-05-2023 | 09:13:15

 Bất kể ngày mưa hay nắng ông Đinh San Hà (khu phố 3, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát), không như mọi người thường bắt đầu ngày mới bằng việc nhâm nhi tách cà phê mà ra khỏi nhà từ rất sớm. Chẳng phải để mưu sinh, ông tình nguyện ra đường chỉ vì một việc là làm cho phố phường sạch đẹp hơn...

 Ông Hà bên chiếc xe ba gác cùng các dụng cụ quen thuộc, đồng hành với ông trong hành trình quét rác

Vì yêu những con đường

Đến thăm nhà ông Hà trong một buổi trưa nắng gắt, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục, hàng trăm chiếc chổi và đồ hốt rác. Thoạt đầu, tôi tưởng ông là “dân” buôn bán chổi. Nhà ông ngụ trên một con đường sầm uất của phường Mỹ Phước nhưng đôi chân của ông vẫn còn “bao bọc” bởi đôi ủng như vừa mới đi làm về. Ngôi nhà ông ở khang trang, rộng rãi, nội thất đủ đầy, trái ngược với dáng người vất vả, cần lao của ông, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những thắc mắc mà chưa thể giải đáp tức thì.

Chỉ vào một căn phòng ngay lối cổng chính, ông Hà cho biết trước đây là phòng khách, nhưng bây giờ ông lấy làm nơi để gia cố lại những chiếc chổi và đồ hốt rác để quét dọn đường phố. Lấy một chiếc chổi lớn, ông Hà nói: “Những chiếc chổi này, sau khi nhập về, tôi chế lại cán chổi bằng nhựa để chắc chắn và dài hơn, khi quét đường không bị mỏi lưng”. Chỉ tay vào một cái hốt rác khổng lồ kế bên, ông tiếp lời: “Rác ngoài đường nhiều, nên tôi phải chế cái hốt rác này thì hốt mới nhanh. Con đường muốn sạch thì phải có nhiều người cùng quét dọn, chăm sóc. Tôi mua sẵn rồi chế xong để đây, ai không có chổi quét thì cứ ghé lấy mà dùng”. Ông Hà vừa dứt lời, cô cháu gái gọi ông Hà bằng cậu ở gần đó góp lời: “Ổng bỏ tiền mua chổi chắc cũng hơn cả trăm triệu rồi. 5 - 6 năm nay, ổng phát gần 500 cái chổi, 300 cái xúc rác rồi đó!”

Ông Hà kể, ông lớn lên ở Sài Gòn, hồi đó nơi ông ở nước ngập khắp các ngõ, hẻm mỗi khi mùa mưa tới. Năm 2012, ông quyết định bán hết đất đai, nhà cửa để về Bình Dương sinh sống, lập nghiệp. Theo ông Hà: “Quyết định này của tôi quả thật đúng đắn. Ở nơi đây, đường sá sạch đẹp, thông thoáng, cuộc đời tôi như bước qua một trang mới. Mà đường đẹp như thế nên chúng ta phải giữ gìn. Đường sá là để cho nhân dân đi lại, là tài sản của nhân dân, là những “trái ngọt” mà sau này con cái, cháu chắt của tôi được thụ hưởng. Tôi phải làm điều gì đó để giữ gìn nó chứ!...”.

Thu nhập chính của ông Hà là kinh doanh nhà trọ. Mỗi tháng, gia đình ông thu về hàng chục triệu đồng nên công việc quét dọn đường phố chắc chắn không phải để ông mưu sinh. Ông hài hước chia sẻ: “Mỗi tháng, vợ trích cho tôi 5 triệu tiêu vặt, tổ chức 1 bữa liên hoan ăn uống cũng hết, đi cà phê riết cũng chẳng tốt lành, đi du lịch tôi cũng không ưa… Thế nên, tôi để số tiền đó mua chổi, dùng không hết thì phát cho bà con, chế các dụng cụ dọn sạch đường phố còn có ích cho đời”.

Theo ông Hà, trước đây vì muốn các con đường thêm sạch sẽ nên ông đã từng tự bỏ tiền túi ra để thuê 2 người quét dọn đường theo giờ, mỗi tháng hết 3 triệu đồng. Duy trì được 3 - 4 tháng, ông thấy không hiệu quả nên đã ngưng việc này. Ông Hà nói: “Tôi muốn lan tỏa hành động làm sạch đường phố để tất cả người dân cùng ý thức và tham gia. Công việc này chẳng phân biệt giàu sang hay nghèo khó. Vì vậy, tôi nghĩ tự mình dọn được bao nhiêu thì dọn. Ai thiếu chổi thì tôi cho, để họ đỡ băn khoăn khi bỏ tiền mua, có cái chổi quét đường cho sạch”. Chính vì suy nghĩ đó, khoảng 6 năm nay, hầu như ngày nào ông cũng ra đường quét dọn vào lúc sáng sớm và chiều tối. Tôi thắc mắc: “Vậy chú ngủ giờ nào?”. Ông cười, đáp: “Quét dọn xong rồi, mặt trời mọc là tôi về ngủ tới trưa, tầm này mà cô không tới là tôi đi ngủ rồi”.

Tranh thủ đi cùng ông Hà dạo quanh trên một số con đường DB8, DB4, NB7, NB9 gần đó, quả thật đường nào, đường nấy sạch sẽ, không có một vũng sình. Nếu không nói, chẳng ai biết được, những con đường sạch sẽ này có sự đóng góp thầm lặng của một cụ ông U70 với dáng người thấp bé, mái tóc đã điểm bạc hoa râm…

Đứng trên tuyến đường DB8, ông nói: “Cô biết không, những chỗ này trước kia mỗi trận mưa to là nước đọng lại bên đường, không thoát được. Để nước ngâm lâu ngày tôi sợ con đường bị xuống cấp nên đã tìm cách giải quyết. Sau nhiều lần thử hết cách này đến cách khác, cuối cùng tôi lấy máy, khoan mấy mét rồi đặt ống inox 304 xuống để nước chảy thoát”. Dắt tôi đi thêm một đoạn nữa, ông Hà chỉ tiếp: “Mấy nắp cống này trước đây có mùi hôi do ở dưới bốc lên, đậy kín thì không thoát được nước. Tôi cũng đã thử nghiệm nhiều cách để bảo đảm vừa thoát nước tốt, không đọng rác và hạn chế bốc mùi nhất có thể. Có cái bảo đảm các tiêu chí đó thì độ bền lại không cao. Cuối cùng, tôi lấy bạt cũ bằng cao su của ô tô để ngăn mùi mà vẫn thoát nước tốt”.

Khi tôi hỏi: “Rồi tiền đâu để chú làm những thứ này?”. Ông Hà không nói, chỉ cười trừ. Tất nhiên, chúng tôi hiểu nụ cười này của ông như ngầm khẳng định, tất cả chi phí mày mò “nghiên cứu” đều từ số tiền 5 triệu mà vợ ông đưa cho mỗi tháng…

Tiếng chổi đêm thầm lặng

Dưới màn đêm yên ắng, chẳng ai bảo, cũng không ai trả công, ông Hà tay vẫn quét rác, miệng cười vui vẻ: “Mỗi ngày tôi chỉ quét được khoảng 1 con đường, vì đường nào cũng to, cũng rộng”. Cứ như vậy, suốt 6 năm qua, ông Hà đi tới đâu, đường phố sạch tới đó. Hình ảnh và việc làm của ông Hà đã lan tỏa và làm lay động lòng người. Khi biết và nghe kể về tấm gương của ông Hà, nhiều người càng thêm khâm phục, từ đó ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường ở khu dân cư, không vứt rác bừa bãi, ngõ nhà nào nhà ấy được quét dọn hàng ngày.

Địa phương đánh giá cao việc làm của ông Hà trong thời gian qua. Những việc làm của ông đã lan tỏa và được nhiều người ghi nhận, cảm phục. Từ đó, người dân trong khu phố cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn, việc làm này của ông Hà sẽ góp phần lan tỏa hơn nữa phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở khu dân cư…”.

(Ông Nguyễn Thể Thao, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát)

Anh Lê Văn Thành, một người dân trong khu phố 3, phường Mỹ Phước, chia sẻ: “Ông Hà là tấm gương tiêu biểu nhất khu phố trong việc giữ gìn hình ảnh những con đường. Việc làm của ông tưởng chừng như bình thường nhưng không phải ai cũng làm được, rất đáng để mỗi người trong chúng ta suy ngẫm và tự soi bản thân, nêu cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường”.

Cứ vậy, ngày nào cũng như ngày nào, chừng khoảng 1-2 giờ sáng, ông Hà lại chạy chiếc xe ba gác đi làm “nghĩa vụ” cho đời. Quá nửa đời người, có lẽ chiếc xe mà ông tâm đắc nhất chẳng phải là một cái ô tô tiện nghi nào đó, mà là cái ba gác trầy xước, chứa đựng bao nhiêu là thiết bị sửa chữa ống cống, máy khoan, chổi, đồ xúc rác và thùng đựng rác…

Con đường NB12 quen thuộc trở nên thênh thang hơn khi xe cộ đã vắng, bóng dáng ông Hà nhỏ nhắn, dừng xe ba gác đỗ ven đường rồi cầm chổi, miệt mài quét rác trong đêm. Dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn luồn lách khắp vỉa hè, từng gốc cây xanh, đi dọc tuyến đường để dọn rác. Quét tới đâu, ông gom rác lại rồi hốt bỏ lên xe, tự mình chở đến các điểm tập kết để đổ. Mỗi ngày, người dân lại thấy bóng dáng người “lao công” không lương thoắt ẩn, thoắt hiện trên các tuyến đường nhặt nhạnh bằng hết rác rưởi cho đời...

 HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4306
Quay lên trên