Cố nhạc sĩ Văn Còn :

Tiếng Ngân Giang vẫn còn tuôn chảy…

Cập nhật: 04-04-2017 | 19:32:02

Theo những người nghiên cứu về âm nhạc truyền thống, sự ra đời của hệ thống dây Ngân Giang trên cây đàn ghi-ta có một sự ảnh hưởng rất lớn trong dàn nhạc tài tử - cải lương Nam bộ. Dây Ngân Giang với âm thanh bay bổng, mênh mông, nghe rất mùi mẫn nên dễ đi vào lòng người. Người sáng tạo ra hệ thống dây Ngân Giang ấy chính là cố nhạc sĩ Văn Còn (ảnh,còn gọi là Ba Còn) - một trong những nhạc sĩ tài hoa của đất Bình Dương.  

Nhạc sĩ Văn Còn tên đầy đủ là Nguyễn Văn Còn, sinh năm 1924 tại xã Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thuở nhỏ, Văn Còn đã yêu thích nhạc tài tử, cải lương và sớm bộc lộ năng khiếu về đàn. Tài năng của ông được nhiều người biết đến và nhanh chóng nở hoa với ngón đàn ghi-ta khi ông đặt chân tới đất Sài Gòn. Theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Ngọc Phú (TX.Dĩ  An)  -  người  nhiều lần tiếp xúc và trao đổi nghề nghiệp với nhạc sĩ Văn Còn lúc còn sống, cho biết nhạc sĩ Văn Còn là một nghệ nhân tiền bối trong nghề. Ông biết rất nhiều loại đà n như ghi-ta, cò, violon, sến… nhưng thành công nhất và tài hoa mà ông bộc lộ rõ nét nhất chính là cây đàn ghi-ta nhạc cổ. Danh tiếng của  ông  được  nhiều  người biết đến từ trước giải phóng. Thời đó, Văn Còn là nhạc sĩ của nhiều đoàn cải lương nổi tiếng và được nhiều hãng đĩa lớn mời cộng tác. “Thời gian phục vụ tại đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là thời kỳ vàng son và thành đạt nhất của nhạc sĩ Văn Còn. Phải nói rằng, ngón đờn của nhạc sĩ Văn Còn rất tài hoa. Đến bây giờ, những học trò của ông cũng không thể nào bắt chước được ngón đờn điêu luyện ấy…”, NNƯT Phạm Ngọc Phú nói.

Từ dây Bảo Chánh…

Theo NNƯT Phạm Ngọc Phú, trong nửa thập niên đầu 1930, cây đàn ghi-ta của châu Âu đã đứng khá vững trong dàn nhạc tài tử - cải lương Nam bộ. Cùng với thời gian, giới nhạc sĩ đã cải tiến và phát triển những hệ thống dây trên cây đàn ghi-ta cổ nhạc Nam bộ như dây Rạch Giá, dây Sài Gòn, dây Tứ Nguyệt… Về sau, có thêm hệ thống dây tổng hợp (dây Lai). Hệ thống dây tổng hợp này có ưu điểm là đáp ứng được mọi tình huống diễn tấu mà không cần chỉnh, sửa dây trong các hơi điệu Bắc - Hạ - Oán - Quảng… hoặc chuyển cung từ giọng kép qua giọng đào. Do đó, sự ra đời của hệ thống dây tổng hợp được xem là hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ và tưởng chừng các lớp nhạc sĩ  sau  này  không  cần  phải sáng tạo gì thêm cho hệ thống dây đàn ghi-ta cổ nhạc nữa. Thế nhưng, vẫn có một nhạc sĩ đã âm thầm nghiên cứu, sáng tạo và làm nên điều rất đặc biệt đối với hệ thống dây trên cây đàn ghi-ta cổ nhạc. Đó là sự ra đời của hệ thống dây Ngân Giang của cố nhạc sĩ Văn Còn.

Hoàn cảnh ra đời của hệ thống  dây  Ngân  Giang  góp phần tô điểm thêm nét độc đáo cho cổ nhạc gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Văn Còn cũng khá đặc biệt. Vào khoảng năm 1952-1953, do hoàn cảnh chiến tranh, ông tạm nghỉ đà n ở các đoàn cải lương lên vùng Trảng  Bom,  Long  Khánh (Đồng Nai) lánh nạn và sống bằng nghề khai thác gỗ. Khi đi, ông không quên mang theo cây đàn lục huyền cầm mà mình đã gắn bó lâu nay. Dù cuộc sống chốn rừng núi có phần vất vả, nhưng ông không thể nào quên được tiếng đàn lúc trầm bổng, lúc du dương được tạo nên bởi những ngón tay tài hoa của người nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu. Những khi nhớ sân khấu, nhớ người thân, bè bạn, ông lại mang cây  đàn  ghi-ta  ra  gảy.  Bao nhiêu tình cảm, niềm thương, nỗi nhớ chất chứa trong lòng cứ theo tiếng đàn tuôn chảy. Một đêm, tại ga xe lửa Bảo Chánh, Biên Hòa, nhạc sĩ Văn Còn ngồi buồn lại ôm đàn lên so dây, nắn phím. Dây đàn bị lạc, ông bất chợt nghe được một tiếng đàn rất hay. Nhờ đó, ông đã vô tình khám phá ra tiếng đàn mới lạ. Ông đã bỏ công nghiên cứu, dần dần hoàn  chỉnh  những  chữ  đàn và sáng tạo ra một hệ thống dây đàn ghi-ta mới, đặt tên là “dây Bảo Chánh” (vì nó ra đời tại sân ga Bảo Chánh ở vùng Trảng Bom, Đồng Nai).

Nhạc sĩ Văn Còn (ngồi phía trước, bên trái) trong một buổi sinh hoạt văn nghệ 

Sau đó, ông trở lại Sài Gòn và được mời vào đàn tại một quán bar có phục vụ cổ nhạc ở khu vực Thị Nghè. Tiếng đàn ghi-ta của ông cùng hệ thống dây mới sáng tạo được dịp hòa quyện, ngân vang bay bổng và nhanh chóng chinh phục giới mộ điệu lúc bấy giờ. Nghe tiếng đàn ghi-ta mới với những âm thanh mùi mẫn ấy, nhiều người thắc mắc không biết ông đàn dây gì mà lạ quá? Ông nói, đó là dây Bảo Chánh.

…Đến dây Ngân Giang

Hệ thống dây mới do nhạc sĩ Văn Còn sáng tạo sớm tham gia vào dàn nhạc tài tử - cải lương Nam bộ và được đón nhận rất nhiệt tình. Nhạc sĩ Văn Còn lại được mời về đàn cho các đoàn cải lương, hãng đĩa ở Sài Gòn. Nhờ tiếng đàn với hệ thống dây Ngân Giang mà nhiều ca sĩ tài tử trình bày bài ca cũng trở nên hay, ngọt ngào và dễ đi sâu vào hơn. Thế nhưng, tiếng tăm của dây Bảo Chánh thật sự vang xa là khi nhạc sĩ Văn Còn đàn cho nghệ  sĩ  Hữu  Phước  ca  bài vọng  cổ  “Nắm  xương  tàn” của soạn giả Quy Sắc. Bài ca này đã được một hãng đĩa thu thanh vào đĩa hát Hồng Hoa, phát hành rộng rãi. Giới mộ điệu bốn phương cũng từ đó mà biết đến hệ thống dây này ngày càng nhiều hơn. Nhiều nhạc sĩ bắt đầu tìm tòi, học thêm về dây Bảo Chánh. Ông được các hãng đĩa như Asia, Hồng Hoa, Hoành Sơn… mời ký hợp đồng. Danh tiếng cùng ngón đàn tài hoa của nhạc sĩ Văn Còn càng ngày càng vang xa hơn trước và được công chúng ái mộ nhiều hơn.

Ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Văn Còn quay về quê hương ở Dĩ An, Bình Dương mở lớp dạy đàn tại nhà, sống cuộc sống khá đạm bạc. Ông thường xuyên tham gia trong phong trào  văn  nghệ  quần  chúng, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát triển đờn ca tài tử của địa phương.

Tìm hiểu về tên gọi của dây Ngân Giang, chúng tôi được nhiều người giải thích rằng,  Ngân  Giang  chính  là dòng sông Ngân Hà trên trời. Ý nói rằng, tiếng đàn bằng hệ thống dây mới sáng tạo của nhạc sĩ Văn Còn trong tiếng nước  chảy,  bồng  bềnh  tựa mây bay, nghe mênh mông, dàn trải, hòa quyện sâu lắng, mùi mẫn khác lạ, không giống như những loại dây đàn trước đây  thường  dùng.  NSƯT Phạm  Ngọc  Phú  cho  biết, việc đổi tên từ dây Bảo Chánh thành dây Ngân Giang có liên quan đến sự góp ý của nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu). Vì yêu thích sự mênh mông, bàng bạc của tiếng đàn này, nhạc sĩ Bảy Bá đã đặt tên cho nó là Ngân Giang. Theo ý kiến của nhạc sĩ Bảy Bá, nhạc sĩ Văn Vỹ đã tìm đến nhà nhạc sĩ Văn Còn để đề nghị đổi tên dây Bảo Chánh thành dây Ngân Giang, vì hệ thống dây này khi đàn lên nghe lâng lâng,  bay  bổng,  giọng  đàn sáng lên “như những áng mây bàng bạc tựa dải ngân hà”. Cách nhận xét, phân tích này đã làm hài lòng nhạc sĩ Văn Còn và ông đã đồng ý đổi tên dây  Bảo  Chánh  thành  dây Ngân Giang.

Có  một  điều  mà  nhiều nhạc sĩ đều thừa nhận đó là sự ra đời của hệ thống dây Ngân Giang với những hiệu ứng độc đáo, dàn trải mà sâu lắng, mùi mẫn đã góp phần tô điểm thêm nét độc đáo cho dàn cổ nhạc tài tử - cải lương Nam bộ. Dù đã ra đi (ông mất năm 2002), nhưng tiếng đàn với hệ thống dây Ngân Giang do nhạc sĩ Văn Còn sáng tạo vẫn tuôn chảy từng ngày bởi những người đam mê, đang miệt mài lao động nghệ thuật để giữ gìn và phát triển nền cổ nhạc nước nhà.

CẨM LÝ


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=692
Quay lên trên