Tiếp nối mạch nguồn di sản văn hóa trên đất Bình Dương

Cập nhật: 23-11-2021 | 08:50:11

Hôm nay (23-11), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức lễ công bố một bảo vật quốc gia và 2 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH,TT&DL công nhận cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với ngành VH,TT&DL khi được tổ chức đúng vào Ngày DSVH Việt Nam (23-11), cũng như những người đã góp công sức không nhỏ trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển những DSVH này trên đất Bình Dương thời gian qua.

Khẳng định giá trị với thời gian

Bình Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, các thế hệ cư dân Bình Dương đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một bản sắc văn hóa đặc trưng trong sự đa dạng chung của nền văn hóa dân tộc. Thành quả sáng tạo độc đáo của các thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta hôm nay những di sản vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú có giá trị hết sức đặc biệt. Điều đó tiếp tục được khẳng định khi mới đây Bình Dương đã có thêm 1 DSVH vật thể là “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” và 2 DSVH phi vật thể là “Nghề gốm Bình Dương”, “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” được công nhận là bảo vật quốc gia và DSVH phi vật thể quốc gia.

Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được phát hiện tại di chỉ khảo cổ thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) trong các năm 1998 và năm 2001, có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên (cách ngày nay trên 2.000 năm). Bộ dụng cụ có tổng cộng 23 hiện vật, gồm: Trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc chưa xác định công dụng. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây nguyên và khu vực Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ xác định Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và rộng hơn là khu vực Nam bộ và Việt Nam.

Tiếp nối dòng lịch sử, môn phái võ thuật Tân Khánh Bà Trà, nghề làm gốm trên đất Bình Dương cũng được hình thành và không ngừng phát triển, đóng góp to lớn vào quá trình lập ấp, lập làng, phát triển kinh tế - xã hội và trở thành những “đại sứ” văn hóa, lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương tươi đẹp, độc đáo đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ông Phước cho biết đến nay, Nghề gốm Bình Dương có lịch sử hình thành khoảng 200 năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Bình Dương. Từ khi ra đời cho đến nay, gốm sứ Bình Dương luôn có chỗ đứng ổn định trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm gốm sứ Bình Dương luôn đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng và mọi tầng lớp trong xã hội.

Trong khi đó, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà lại có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức văn hóa của người dân Bình Dương nói chung, đặc biệt là người dân vùng Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên), Bình Chuẩn (TP. Thuận An). Võ sư Hồ Tường (hiện đang sống ở TP.Hồ Chí Minh), chưởng môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà hiện nay, cho biết môn võ này có nguồn gốc xuất phát từ vùng đất Tân Khánh (nay thuộc phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) và gắn liền với giai thoại một cô gái tên Trà (vốn là binh sĩ thân tín của nữ tướng Bùi Thị Xuân) lánh nạn vào vùng đất này. Từ các thế võ Tây Sơn của vùng đất Bình Định, người dân Tân Khánh đã tiếp thu và tổng hợp các chiêu thức, thế võ, quyền cước khác của những người đi khai hoang (người Việt, người Minh Hương) và dần hình thành nên hệ thống kỹ thuật võ thuật mới, được gọi là Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Đến nay, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có hàng ngàn môn sinh, có mặt trên 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Những giá trị của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của đất và người Bình Dương.

Sẽ tiếp tục phát huy

Với sự công nhận này, đến nay Bình Dương đã có 3 bảo vật quốc gia, là: “Tượng động vật Dốc Chùa” (công nhận năm 2013), “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” (công nhận năm 2018), “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” (công nhận năm 2020) và có 3 DSVH phi vật thể được vinh danh là “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”, “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”.

Sản phẩm gốm Bình Dương tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên

Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VH,TH&DL, cho biết việc các DSVH này được vinh danh có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Bình Dương. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH trên, thời gian tới sở sẽ phối hợp với các địa phương nơi có di sản, các sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy DSVH; xây dựng môi trường thuận lợi cho nghề sản xuất gốm có điều kiện phát triển bền vững; tạo điều kiện cho các võ sư, môn sinh Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có điều kiện học tập, rèn luyện và truyền dạy trong các trường đại học, THCS, THPT trong tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về DSVH. Sở cũng sẽ triển khai xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia vừa được công nhận; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch quy hoạch, bảo tồn di tích khảo cổ Phú Chánh, xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà và Nghề gốm Bình Dương.

Các thế hệ võ sinh Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà hôm nay vẫn đang ra sức giữ gìn, phát triển môn võ cổ truyền dân tộc

Cùng với đó, sở sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá bảo vật quốc gia, DSVH trên các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa các hình thức thực hiện để DSVH truyền thống đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh. “Thêm 1 bảo vật quốc gia và 2 DSVH phi vật thể quốc gia được vinh danh là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Bình Dương, đồng thời góp phần thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy sự phong phú, đa dạng trong kho tàng DSVH Việt Nam. Với trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc, xin tri ân các bậc tiền nhân, các thế hệ người Bình Dương đã có công hình thành, gìn giữ để hôm nay chúng ta có được những DSVH có giá trị. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện thật tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH nói chung và các DSVH đã được Nhà nước vinh danh nói riêng”, ông Hải nói. 

Với sự công nhận này, đến nay Bình Dương đã có 3 bảo vật quốc gia, là: “Tượng động vật Dốc Chùa” (công nhận năm 2013), “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” (công nhận năm 2018), “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” (công nhận năm 2020) và có 3 DSVH phi vật thể được vinh danh là “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”, “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên