Tiếp nối mạch nguồn truyền thống cách mạng

Thứ sáu, ngày 11/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, quân dân Bến Cát dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lập nên những chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Bến Cát đang chung sức chung lòng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, quyết tâm xây dựng vùng đất giàu truyền thống cách mạng trở thành “bến vàng” như lời nhắn nhủ của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lần về thăm Bến Cát...

 Đổi thay trên quê hương Tam giác sắt

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, vùng đất Bến Cát là cái nôi cách mạng, là căn cứ địa kháng chiến. Nơi đây có Chiến khu Long Nguyên được xây dựng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946). Chiến khu Long Nguyên là mắt xích kết nối liên hoàn của hệ thống Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Vĩnh Lợi. Do có vị trí chiến lược, suốt trong hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Long Nguyên là nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng: Khu ủy Miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, cơ quan huyện Bến Cát; các lực lượng vũ trang… Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng.

Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Bến Cát quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Trong ảnh: Diện mạo đô thị công nghiệp tại TP.Bến Cát hôm nay

Cùng với Chiến khu Long Nguyên, địa đạo 3 xã Tây Nam (An Tây, An Điền, Phú An) còn gọi là Địa đạo Tam giác sắt là một trong những địa danh nổi tiếng gắn với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, ác liệt. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã Tây Nam đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc; bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt, trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, và mùa xuân năm 1975, Địa đạo Tam giác sắt là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết để từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975.

Sau ngày hòa bình lập lại, cùng với cả nước và tỉnh Sông Bé - Bình Dương, quân dân Bến Cát - quê hương của Địa đạo Tam giác sắt đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn từng bước xây dựng lại quê hương trên những đổ nát bởi chiến tranh khốc liệt. 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP.Bến Cát nói chung và vùng đất 3 xã Tây Nam đã có những đổi thay vượt bậc. Xã An Tây và An Điền đã trở thành phường với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ. Xã Phú An đã sớm trở thành xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu để đạt tất cả các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm tháng qua đi, chiến tranh cũng lùi xa nhưng những chiến công vang dội, sự hy sinh to lớn của quân dân quê hương Chiến khu Long Nguyên và Địa đạo Tam giác sắt luôn thôi thúc các thế hệ hôm nay quyết tâm xây dựng vùng đất cách mạng Bến Cát giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Viết tiếp khúc hoan ca

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước và tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta khởi xướng, tỉnh Bình Dương nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Nhiều khu, cụm công nghiệp lần lượt được xây dựng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, Bình Dương trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với chủ trương của tỉnh đưa công nghiệp lên các huyện phía bắc, những khu công nghiệp hiện đại như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Việt Hương 2... lần lượt được xây dựng. Bến Cát nhanh chóng trở thành địa bàn trọng điểm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động. Đến nay, toàn thành phố có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 4.000 ha và 1 khu sản xuất tập trung với diện tích gần 50 ha. Đến cuối năm 2024, TP.Bến Cát đã thu hút được trên 7.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước...

So với các địa phương phía nam của tỉnh như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát có xuất phát chậm hơn trong phát triển công nghiệp. Nhưng với lợi thế của người đi sau, Bến Cát được tỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp bài bản với những khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới hiện đại, khang trang. Với chủ trương của tỉnh đưa công nghiệp lên các huyện phía bắc, những khu công nghiệp (KCN) hiện đại như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Việt Hương 2... lần lượt được xây dựng. Bến Cát nhanh chóng trở thành địa bàn trọng điểm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khi các KCN đi vào hoạt động. Đến nay, toàn thành phố có 8 KCN với tổng diện tích trên 4.000 ha và 1 khu sản xuất tập trung với diện tích gần 50 ha. Đến cuối năm 2024, TP.Bến Cát đã thu hút được trên 7.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với hạ tầng công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại, hệ thống giao thông qua địa bàn thành phố thời gian qua được đầu tư mạnh mẽ, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm, như: Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 4 và hệ thống đường nội ô… Đây là điều kiện rất thuận lợi để Bến Cát dễ dàng kết nối các KCN, đô thị phía nam của tỉnh, kết nối TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước… Đồng thời, khi đồng bộ hệ thống giao thông sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng chỉnh trang đô thị đều được quan tâm đầu tư đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt và tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ cũng như hỗ trợ nông nghiệp và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Điều này được thể hiện rất rõ bằng diện mạo đô thị của thành phố ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Nếu như trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bến Cát được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với những tên đất, tên làng kiên trung trong đạn bom khói lửa thì hôm nay cũng trên vùng đất ấy, các thế hệ tiếp nối đã chung tay tạo nên những kỳ tích trong xây dựng, phát triển quê hương. Vùng đất Bến Cát anh hùng đang viết tiếp những chiến công mới, rạng ngời, vinh quang, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để vùng “đất lửa” năm xưa sẵn sàng vươn mình trong kỷ nguyên mới.

TRÍ DŨNG - HỮU TẤN