Tiếp nối tinh thần đại thắng mùa xuân- Bài 2

Cập nhật: 28-04-2022 | 07:52:50

Bước ra từ đổ nát, hoang tàn của chiến tranh, tỉnh Sông Bé nhanh chóng bắt tay khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và từng bước phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền. Tỉnh đã sớm vận dụng linh hoạt chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển các thành phần kinh tế. Đặc biệt, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Sông Bé - Bình Dương đã thực hiện nhiều đột phá trong phát triển bằng cách kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Bài 1: Cảm xúc tháng tư

Bài 2: Đi lên từ gian khó

Công nghiệp dẫn dắt

Những năm sau giải phóng, kinh tế của tỉnh Sông Bé chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Do nhiều nguyên nhân nên những lĩnh vực phát triển trên đều yếu kém, đời sống nhân dân ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng với chủ trương mở cửa đất nước, tỉnh Sông Bé đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chủ trương phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Trong lần trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương mới đây, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, cho biết Sông Bé cũ trước đây có diện tích trên 1 triệu ha, đất rộng, người thưa, đất đai nhiều vậy mà không làm ra của cải vật chất, lương thực lại thiếu thốn. Trước tình hình đó, tỉnh đã bàn bạc và đề ra chủ trương muốn đi lên thì phải huy động được sức người, sức của, tài nguyên, vật lực, vốn liếng trong và ngoài nước, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Thống nhất tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh Sông Bé cũ đã đề ra chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”.

KCN Việt Nam - Singapore I được thành lập và sau đó trở thành một hình mẫu về phát triển KCN tại Việt Nam. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” đã tạo ra bước ngoặt phát triển, đưa Sông Bé, rồi Bình Dương trở thành địa chỉ hấp dẫn, tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều lĩnh vực then chốt, có lợi thế của tỉnh được các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển như xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất hàng xuất khẩu... Chủ trương “trải chiếu hoa” tiếp tục tạo tiếng vang, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất nhập khẩu. Năm 1996 trước thềm tách tỉnh, Sông Bé đánh dấu sự kiện là năm thu hút đầu tư lớn nhất với 136 dự án FDI (chiếm 50% tổng số dự án của cả nước).

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” là một động lực kích hoạt đầu tư. Hàng ngàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đã nhanh chóng tạo ra tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. “Căn cứ vào tiềm năng và các điều kiện phát triển, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã khẳng định cơ cấu kinh tế của tỉnh phải là công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp...”, ông Hiệp nói về quyết tâm của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế lúc bấy giờ.

Thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lúc bấy giờ và xuyên suốt qua những năm sau này. Nhờ đó, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh không ngừng tăng trưởng và khẳng định được vai trò dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh đến hôm nay.

Đột phá phát triển hạ tầng

Một trong những thành công có tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế của tỉnh đó là chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng giao thông kết nối, giao thông liên vùng. Tháng 2-1992 Khu chế xuất Tân Thuận (TP.Hồ Chí Minh) được khởi công xây dựng, đánh dấu sự ra đời của khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi tham khảo mô hình khu chế xuất của TP.Hồ Chí Minh, đồng thời chủ động nghiên cứu các mô hình KCN của nước ngoài, lãnh đạo tỉnh nhận thấy điều kiện thực tiễn của tỉnh lúc đó phù hợp để phát triển KCN… Đặc biệt, năm 1996, KCN Việt Nam - Singapore (VSIP I) được thành lập từ thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore. VSIP được giao quản lý và đầu tư bởi Công ty Liên doanh VSIP, là liên doanh góp vốn giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và các đối tác nước ngoài do Tập đoàn SembCorp (Singapore) đứng đầu. Qua 26 năm hình thành và phát triển, đến nay VSIP trở thành nhà phát triển công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với 11 dự án tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An, Bình Định...

Song song với xây dựng KCN, ngay từ những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh đã nhận thức rõ rằng, kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiên quyết để mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của tỉnh lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh chú trọng đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông. Hàng năm, tỉnh đã dành lượng vốn chiếm tỷ lệ cao cho các công trình giao thông có quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh nên Bình Dương rất chú trọng đến các trục giao thông hướng tâm, giao thông vành đai, nhằm kết nối hạ tầng kỹ thuật của tỉnh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, kết nối với các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh phía Bắc và Tây Nam bộ. Quốc lộ 13 xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh xuyên suốt chiều dài tỉnh Bình Dương, qua tỉnh Bình Phước là trục giao thông huyết mạch của tỉnh. Đường ĐT741 xuất phát từ TP.Thủ Dầu Một theo hướng bắc - nam kết nối TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo đến Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Đường ĐT744, cũng có điểm xuất phát từ TP.Thủ Dầu Một kết nối TX.Bến Cát, các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng và đến tỉnh Tây Ninh. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh dài 32km, qua Bến Cát và Dầu Tiếng là cầu nối giữa các tỉnh Tây nguyên, Bình Phước, qua Bình Dương đến các tỉnh Tây Nam bộ. Quốc lộ 1K ở phía Nam kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn mới xây dựng là tuyến trục chính kết nối các KCN của Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng với các trục giao thông chính kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, hệ thống đường bộ kết nối các KCN cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ở khu vực đô thị, các tuyến đường phố, đường hẻm được nhựa hóa, bê tông hóa. Ở khu vực nông thôn, đường nhựa đều đến trung tâm xã; nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã hoàn thành nhựa hóa và bê tông hóa các tuyến đường liên ấp, liên xã. Giao thông thuận tiện là điều kiện hết sức cơ bản để tỉnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, biết làm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã khơi dậy nội lực, phát huy tiềm năng, lợi thế để mở ra trang mới trong lịch sử phát triển của tỉnh. Đây chính là nền tảng để tỉnh tiếp tục hiện thực hóa các đột phá phát triển trong tương lai. (còn tiếp)

Với việc xây dựng các KCN tập trung quy mô lớn, hạ tầng đầy đủ, Bình Dương đã mở ra khả năng thu hút các luồng vốn đầu tư đa dạng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có 29 KCN tập trung và 8 cụm công nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài…

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Sông Bé

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=688
Quay lên trên