9 tháng năm 2022, Bình Dương đạt mức tăng trưởng khá ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kết quả này cho thấy bên cạnh sự thích ứng nhanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, còn nhờ hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Bình Dương tiếp tục cải thiện mội trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (KCN Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An)
Phục hồi mạnh mẽ
Với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, lấy DN và người dân làm trung tâm, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu. Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh Covid-19, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương vẫn tiếp tục được xếp trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành “Tốt” với 69,61 điểm, xếp thứ6 trong 63 tỉnh, thành trên cảnước, dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh của Bình Dương trong nhiều năm qua khi tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước.
Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 17,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 11,9%, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 7,8 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 4.815 DN đăng ký kinh doanh mới, tăng 27,1% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký trên 30.673 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, Bình Dương tiếp tục là địa phương đứng thứ 2 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 2,6 tỷ đô la Mỹ.
Cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Đáng chú ý, năm 2021, trong 10 chỉ số thành phần được VCCI đưa ra, Bình Dương nhận được những đánh giá tích cực của DN. Chỉ số tiếp cận đất đai tại Bình Dương được cải thiện (+0,29 điểm), Chỉ số tính minh bạch (+0,58 điểm), Chỉ số chi phí thời gian (+0,25 điểm), Chỉ số chi phí không chính thức (+0,08 điểm), Chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN (+0,16 điểm) là một minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của chính quyền các cấp của tỉnh.
Đây cũng là kết quả của việc tỉnh đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký DN và giải quyết các thủ tục về đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình. Đồng thời, Bình Dương đã tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết vướng mắc đểcác dự án nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN.
Theo ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương, vị trí của Bình Dương trên bảng xếp hạng PCI hàng năm đã cho thấy khát vọng của tỉnh trong tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế. “Tôi ấn tượng với những cuộc gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo tỉnh với cộng đồng DN ngay khi dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều giải pháp đã được tỉnh kịp thời đưa ra, như sản xuất an toàn, khơi thông thị trường, kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu”, ông Kim Won Sik cho biết.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định thành quả đạt được trong tăng trưởng kinh tế của Bình Dương năm 2021 và 9 tháng năm 2022 là sự hợp lực của nhiều yếu tố. Trong đó, phải kểđến công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh đểphục vụ người dân và DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, Bình Dương cần nỗ lực và quyết tâm hơn nữa. Đểnâng cao chỉ số PCI, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh.
NGỌC THANH